• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bài dự thi về Tài nguyên và Môi trường: Mẹ thiên nhiên ơi !

30 năm sống cùng mẹ từng giây phút mà con vẫn chưa thực sự thấu hiểu mẹ. Mẹ đã âm thầm dạy cho con quá nhiều điều mà con không biết cho đến bây giờ con mới dần tự ngộ ra.

02/12/2010 15:57

Năm tháng trôi qua, con đã miệt mài học tập và làm việc để đạt được thành công và địa vị trong sự nghiệp, để được đánh giá cao và coi trọng trong xã hội. Con làm việc nhiều đến nỗi con không có thời gian để nghĩ đến bản thân, chưa nói gì đến những vấn đề xã hội và cũng hiếm có lúc nào nghĩ đến mẹ. Những tham vọng trong cuộc sống cứ hết cái nọ đến cái kia tiếp nối nhau lôi cuốn con, con cứ cố tiếp, leo tiếp lên bậc thang của sự nghiệp và xã hội để con chứng tỏ cho mẹ và mọi người thấy là con xứng đáng là con của mẹ, để mẹ thực sự thấy tự hào về con, để mọi người công nhận là con tự đạt được thành quả từ nỗ lực của bản thân.

Một ngày con tự nhiên nhận ra con để cho sự nghiệp chiếm lấy cuộc sống của con, con mất sự thăng bằng trong cuộc sống và làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ, kể cả với mẹ.

Thang thì không có giới hạn nhưng sức con thì có giới hạn. Con nhận ra là cuộc sống còn nhiều hơn là chỉ làm việc. Sống không phải chỉ là tồn tại mà phải là sống để đạt được mục đích sống và mục đích sâu sa nhất của con người là để nhận thức ra bản thân. Albert Einstein có nói "Hãy nhìn vào thiên nhiên thì bạn sẽ hiểu mọi thứ hơn", thế là con dừng lại để thở và để đi tìm bản thân. Và con biết con sẽ chỉ tìm thấy bản thân khi tìm đến mẹ thiên nhiên.

Con đi ra đảo cùng với bạn bè từ 39 nước để học lớp huấn luyện dạy yoga. Khi con đi, con chỉ có một mục đích để luyện nhiều hơn và lấy bằng nhưng mỗi ngày con lại nhận thức ra nhiều cái "có thể" hơn. Đảo hoang vu, chỉ có chúng con với nước, cây, mây trời, chim chóc, ăn uống từ vườn cây, đi chân đất, luyện yoga, thiền, nói triết lý sống. Sau một tuần thì con tưởng con sẽ không chịu nổi. Nhưng thầy dạy chúng con thiền bằng cách nhìn vào thiên nhiên trong tĩnh lặng. Mẹ Teresa đã dạy "Nhìn thiên nhiên mà xem: Cây, cỏ, hoa, lá mọc trong yên lặng; trăng, sao, mặt trời chuyển động trong yên lặng; chúng ta cần yên lặng để tìm đến tâm hồn". Chúng con ngồi thiền và tập yoga trong yên lặng, liên kết năng lượng của thiên nhiên và con người, để kết nối thể xác, đầu óc và tâm hồn.

Thầy dạy chúng con nhắm mắt tưởng tượng, cảm nhận sự hứng thú, sung sướng như khi nhìn thấy cây, thấy biển lần đầu tiên, cảm nhận từng đợt không khí thở ra hít vào, để biết ơn thiên nhiên đang ở quanh ta, mà không phải chỉ sử dụng thiên nhiên như một lẽ đương nhiên. Chúng con đã quen từ khi chào đời là có mẹ ở xung quanh, chăm lo, bao bọc và quên mất rằng không phải đương nhiên mẹ phải cho chúng con không khí để thở, ánh sáng để nhìn, cây cỏ để ăn, âm thanh để nghe....chúng con phải trân trọng, yêu quý và bảo vệ những gì mẹ cho.

Thầy dạy chúng con học từ cái cây, ngọn cỏ: Chúng bám chắc vào đất và luôn luôn vươn lên để hướng tới trời cao; mặc cho những chà đạp của con người và khắc nghiệt của thời tiết, chúng vẫn vượt qua để sinh sôi nảy nở. Lúc đó con nhớ đến những câu thơ mà mẹ của con làm tặng con khi con mới chào đời:

"Mong đời con đẹp mãi như hoa

Nở giữa bình minh đẹp hiền hòa

Hoa tươi hương sắc luôn toàn vẹn

Cứng cáp vươn mình giữa phong ba".

Thầy dạy chúng con hãy thích nghi theo nhịp sống của thiên nhiên, bí quyết của mẹ là sự kiên nhẫn và nhân ái. Có một nhà hiền triết đã nói "Hằng ngày chúng ta cứ dẫm đạp lên cỏ, nhưng sau khi chúng ta chết vài ngày, cỏ lại phủ xanh ngôi mộ của chúng ta".

Con tiếp tục đi tìm kiếm mẹ. Con lái xe đi hết vòng quanh đất nước New Zealand, nơi mà thiên nhiên và con người hòa quyện đến mức khó tin. Rồi từ đó con đi tiếp tục hướng Nam đến châu Nam Cực trên thuyền phá băng của Nga với 50 người khác từ châu Âu và châu Úc. Thuyền của chúng con đi qua nam độ 40 biển giận dữ, nam độ 50 biển sôi sục, nam độ 60 biển gào thét nhưng đến nam độ 70 biển yên lặng đến khó tả, như thể chúng con bị mẹ thử thách để đến được nơi thiêng liêng này. Đây là châu lục duy nhất trên trái đất này mẹ được bảo vệ tuyệt đối. Con đến đây và con thật sự nhìn thấy mẹ ở đỉnh cao, mẹ mà chưa ai phá hủy, mẹ mà chưa ai làm đau đớn. Con ngồi đấy trong yên lặng, nhìn về Cực Nam của trái đất chỉ cách đó 5 dặm hải lý, không có gì ở đó, chỉ có con và trời xanh, băng tuyết trắng bao la bao bọc, lắng nghe tiếng mẹ yên lặng đến nỗi con có thể nghe được nhịp tim con đập, hít thở không khí trong vắt của mẹ tràn ngập các tế bào của con và nơi đấy định nghĩa ngày và đêm cũng không còn nữa. Đặt chân đến đất này lần đầu tiên, không có người ở, chỉ có mẹ thiên nhiên thì con mới hiểu mẹ thực sự tinh khiết đến mức nào, chỉ có lũ người chúng con mới tàn phá mẹ đến thảm hại.

Về Việt Nam, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, thay đổi từng ngày, đầy tiềm năng thiên nhiên và con người, nhưng con buồn vì sự nhận thức và ý thức con người còn kém quá về cách sử xự với mẹ thiên nhiên. Dường như ai cũng biết nhưng không nghĩ trách nhiệm thuộc về mình hoặc cố tình không biết để coi như mình không có tội. Đất nước đã đi qua quá nhiều những cuộc chiến tranh thảm khốc và đã vượt qua vẻ vang, đổi máu và nước mắt để giành được độc lập tự do. Hòa bình được tìm thấy nhưng dường như hòa bình với đúng nghĩa của nó: Hòa bình trong tâm khảm, hòa bình trong phương thức sống, hòa bình với mẹ thiên nhiên thì chưa tìm thấy. Vệ sinh cá nhân còn kém, vệ sinh công cộng còn kém, khắp nơi rác thải, nước thải, khí độc, lấp sông ngòi hồ ao để xây dựng tràn lan, chặt cây, phá rừng, cho nước ngoài thuê rừng biên giới, khai thác mỏ quặng bừa bãi... Còn đâu niềm tự hào "rừng vàng, biển bạc" mà mẹ đã ưu ái cho, mà tổ tiên đã chiến đấu để giữ được cho chúng con.

Không phải chỉ có Việt Nam, mà toàn cầu, mẹ đã bao lần giận dữ mang đến sóng thần, bão tố, lụt lội, hạn hán, cháy rừng, động đất, sập mỏ, núi lửa, ô nhiễm không khí, cây bệnh, động vật bệnh, người bệnh tật nan y... để mẹ dạy cho chúng con các bài học biết nhìn thấy hậu quả của những hành động vô trách nhiệm của chúng con đối với mẹ. Chỉ khi có những thảm họa thiên nhiên xảy ra, chúng con hơn bao giờ hết mới hợp nhất đoàn kết để vượt qua. Nhưng xong rồi thì đâu lại vào đấy, dường như chúng con không học được gì hoặc cố tình không học, vì những hành động đó có lợi cho cá nhân chúng con ngay bây giờ về tài chính và địa vị. Chúng con còn nghĩ ngắn quá !

Nhưng với lòng vị tha và kiên nhẫn của người mẹ, mẹ giận dữ xong mẹ lại mở rộng cánh tay để che chở chúng con, lại cho chúng con cơ hội để làm lại, lại có không khí, nước, đất, cây cỏ để sống. Chúng con chưa hiểu ra là nếu chúng con không học được bài học mẹ dạy thì mẹ sẽ lại nổi giận và cứ thế…. một ngày không xa, nếu vẫn phá hủy mẹ thế này, thì mẹ sẽ không còn đủ sức để chịu đựng và thế là hết, không còn mẹ, không còn con, không còn gì hết, tất cả lại trở về cát bụi bay bay trong khoảng không.

Mẹ ơi, cứ mỗi lần con đến một nơi mới, thử các trò mới mạo hiểm, lái máy bay trên trời, theo thuyền vượt biển, bơi lội dưới nước, leo trèo lên các dải núi cao, nhảy xuống các vực sâu thẳm, con không muốn chinh phục hay thử thách mẹ, mà con chỉ muốn gần gũi hơn với mẹ, để cảm nhận sự tự do và những cái "có thể " mà mẹ dành cho chúng con.

Mẹ thiên nhiên ơi, chúng con yêu mẹ và cần mẹ. Chúng con sẽ cố gắng làm mọi cách để bảo vệ mẹ tốt hơn, mẹ yêu.

Con của mẹ.

Thùy Chi