Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vừa qua đã gây xôn xao dư luận.
Các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, có tới 800 bài viết và hàng ngàn ý kiến phê phán việc làm sai trái của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang về chủ trương và biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của dân.
Đây là việc làm vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, vi phạm tài sản của công dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân…gây dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng lúng túng về thái độ, cách giải quyết nên tình huống càng đẩy lên căng thẳng, phức tạp hơn. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xem xét, kết luận các sự việc và yêu cầu cơ quan chức năng các cấp phải kiểm điểm, xử lý nghiêm minh …, lúc đó tình hình mới rõ ràng.
Từ vụ việc trên, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn xây dựng Đảng, cho ta những suy nghĩ chủ yếu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở Tiên Lãng trên mấy điểm chính sau đây.
Một là, phải xây dựng được mối quan hệ đúng đắn, tốt đẹp giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Đảng và chính quyền phải thật sự là của dân, vì nhân dân mà chăm lo, bảo vệ mọi lợi ích của nhân dân. Bác Hồ đã từng dạy chúng ta: cán bộ Đảng, chính quyền mọi cấp đều là công bộc của dân. Đảng, chính quyền đều mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, ngoài ra Đảng, chính quyền không có mưu cầu lợi ích riêng…
Trong khi đó việc làm của cấp bộ Đảng, chính quyền ở Tiên Lãng lại ngược với lời dạy của Bác, trái với mục tiêu lý tưởng của Đảng.
Từ đó cho thấy trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp, vấn đề đầu tiên, số một là phải vì dân; phải thiết lập được mối quan hệ đúng đắn, chuẩn xác giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Hai là, xây dựng tốt mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền với phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bác Hồ chỉ rõ mọi quyền lực là ở nơi dân. Dân có quyền chọn ra người đại diện cho quyền làm chủ của mình, đồng thời có quyền giám sát, có quyền bãi miễn nếu người đại diện cho mình thoái hóa biến chất, không hoàn thành nhiệm vụ.
Ở Tiên Lãng, Hải Phòng, một số cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền đã làm ngược điều đó. Họ đã áp đặt, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đảng ta cũng chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng. Nhưng cách làm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã không hề tôn trọng dân, bất chấp quyền làm chủ của nhân dân.
Ba là, thực hiện nói và làm trong lãnh đạo, hoạt động của cấp bộ Đảng, chính quyền ở địa phương. Đây là cấp gần dân nhất, mọi sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong cơ quan Đảng, chính quyền đều có tác dụng cổ vũ, động viên, xây dựng lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Một số cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền ở Tiên Lãng thường xuyên nói với dân phải học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tận tụy, trung thành với lợi ích của nhân dân; luôn gương mẫu trước nhân dân, trong sáng về tư tưởng, đạo đức, lối sống… song những việc làm vừa qua họ đã không đúng và trái ngược hẳn với những lời nói của họ.
Rõ ràng nói đi với làm là nội dung quan trọng không được xem nhẹ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hiện nay.
Bốn là, bảo đảm công khai, minh bạch giữa cái đúng với cái sai; cái công lý và cái phi lý trong lãnh đạo, hoạt động của cấp bộ Đảng, chính quyền.
Sự việc ở Tiên Lãng về cưỡng chế thu hồi đất vừa rồi đã vi phạm nguyên tắc này. Một nhóm những người lãnh đạo đã dựa vào quyền của mình bất chấp chân lý đúng sai, biến sai thành đúng vì lợi ích của mình.
Năm là, xác định trách nhiệm của người đứng đầu và công tác lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ trong xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương. Bác Hồ chỉ rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc. Điều này cán bộ, đảng viên ta ai cũng biết, cũng nhớ, cũng thuộc nhưng không phải tất cả mọi lúc, mọi nơi mọi người đều làm đúng. Ở cấp bộ Đảng, chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang đều chưa chuẩn xác trong công tác cán bộ nên đã dẫn đến hậu quả vừa qua. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ cần chọn người tài năng, đức độ, tuyệt đối không để người yếu kém, cơ hội, chạy chọt, luồn lọt, bợ đỡ, bè cánh vào nắm giữ những trọng trách, vị trí của cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền.
Sáu là, có cơ chế giám sát quyền lực của cán bộ trong các cấp bộ Đảng, chính quyền hiện nay. Trong khi chúng ta trao quyền lực cho người đứng đầu, các cán bộ chủ chốt rất lớn nhưng lại thiếu cơ chế giám sát các quyền lực ấy một cách chặt chẽ nên xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, bất chấp, coi thường dư luận, bỏ qua các nguyên tắc. Đây là tình trạng còn diễn ra ở nhiều nơi và rõ nhất qua vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng, Hải Phòng./.
PGS. TS Trần Quang Nhiếp