Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thưa Quý vị và các bạn!
1. Hôm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm Ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tròn 41 tuổi, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với 10 nước thành viên trong đó có Việt Nam. Đây là dịp tốt để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và xác định hành động sắp tới trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN.
2. Chúng ta vui mừng với những thành tựu và sự trưởng thành của ASEAN trong hơn 4 thập kỷ qua. Trải qua nhiều thăng trầm và vượt qua nhiều thách thức, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á với những thay đổi cơ bản, một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực. ASEAN hiện là đối tác không thể thiếu của các nước và trung tâm lớn trên thế giới, đồng thời là nhân tố quan trọng thúc đẩy các tiến trình đối thoại và hợp tác trên nhiều tầng nấc khác nhau ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
3. Thành công của ASEAN đã được thừa nhận rộng rãi, mặc dù Hiệp hội còn không ít hạn chế. Tuy vậy, nhân dịp này, chúng ta vẫn cần khẳng định ASEAN đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì sự phát triển ở Đông Nam Á; hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu an ninh và phát triển của từng nước thành viên cũng như cả Hiệp hội. Những kết quả hợp tác ASEAN, cả về liên kết nội khối và hợp tác giữa Hiệp hội với các đối tác bên ngoài, đã tạo cơ sở vật chất quan trọng cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực sâu rộng hơn trong giai đoạn tiếp theo cũng như gia tăng vai trò và vị thế quốc tế của mình.
4. ASEAN hiện đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, có mục tiêu bao trùm là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và vững mạnh hơn, nhưng vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài, đồng thời hướng mạnh tới người dân, phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân. Hiến chương ASEAN sẽ tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực, trước hết là thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN. Điều quan trọng là Hiến chương đã khẳng định lại tính chất của ASEAN là một tổ chức hợp tác liên Chính phủ và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các nước thành viên, hoạt động trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội cũng như tổ chức-bộ máy và phương thức hoạt động được đổi mới.
5. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và sự ra đời của Hiến chương ASEAN phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên, nhất là về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và ràng buộc pháp lý hơn. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng và khẩn trương đưa Hiến chương vào cuộc sống là trọng tâm hợp tác ASEAN trong những năm tới. Đây sẽ là quá trình không ít khó khăn, do chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài, nhất là trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình chính trị-kinh tế khu vực và thế giới. Điều đó, đòi hỏi mỗi nước thành viên cũng như cả Hiệp hội phải có những cam kết chính trị đủ mạnh và sự đầu tư thích đáng cho gia tăng liên kết ASEAN, đề ra được những giải pháp và bước đi phù hợp để biến những mục tiêu thành hiện thực.
6. Nhân tố quan trọng hàng đầu để ASEAN tiếp tục thành công trong giai đoạn mới là Hiệp hội cần tăng cường những nỗ lực chung để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã được ghi nhận trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và Hiến chương ASEAN. Các nước thành viên cần tiếp tục làm hết sức mình để củng cố sự đoàn kết và thống nhất của Hiệp hội, tăng cường tình hữu nghị anh em và ý thức cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác và giải quyết mọi khác biệt bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong các vấn đề khu vực, chủ động thúc đẩy các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực, tạo điều kiện cho các đối tác bên ngoài tham gia và đóng góp tích cực cho việc xử lý các thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
7. ASEAN cần phấn đấu nâng cao chất lượng của sự “thống nhất trong đa dạng” trên cơ sở những mục tiêu chung và các nguyên tắc cơ bản như “đồng thuận” và “không can thiệp”. Điều đó đỏi hỏi mỗi nước thành viên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ với tiến trình liên kết ASEAN và “Gia đình ASEAN”, kết hợp hài hòa hơn nữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cả khu vực ASEAN vì mục tiêu chung của Hiệp hội, phát huy các giá trị truyền thống đặc thù của ASEAN và “Phong cách ASEAN”.
8. ASEAN phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện các chương trình và kế hoạch hành động về xây dựng Cộng đồng ASEAN với những biện pháp cụ thể và nguồn lực thích đáng. Đặc biệt, ASEAN cần có những biện pháp thiết thực để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển hiện đang tồn tại trong Hiệp hội, nhất là giữa 2 nhóm nước thành viên cũ và mới, thông qua thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN. Cùng với những nỗ lực chung, từng nước thành viên cũng cần lồng ghép phù hợp các chương trình phát triển quốc gia với các chương trình liên kết ASEAN.
9. Một nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải khẩn trương đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống. Hiến chương sẽ đem lại sự đổi mới về tổ chức-bộ máy và phương thức hoạt động của Hiệp hội, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN. Trong hoạt động thực tiễn, Hiệp hội cần có những nỗ lực lớn hơn để cải tiến phương thức hoạt động, đề cao “văn hóa thực thi”, xóa bỏ tình trạng triển khai chậm hoặc không tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận, có chiến lược huy động và sử dụng nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải, lãng phí…
Thưa Quý vị và các bạn,
10. Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của ASEAN và là một thành viên có trách nhiệm của gia đình ASEAN. Khu vực Đông Nam Á và ASEAN có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết và thống nhất, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng, là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam. Do vậy, chúng ta luôn xác định ASEAN, xét cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và láng giềng hữu nghị của Việt Nam.
11. Kể từ khi gia nhập ASEAN tháng 7/1995, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của Hiệp hội, mà gần đây nhất là việc sớm phê chuẩn Hiến chương ASEAN.
Bước sang giai đoạn mới, chúng ta cần tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Các Bộ, ngành của Việt Nam cần tăng cường phối hợp hành động, củng cố tổ chức bộ máy và đầu tư thích đáng về nguồn lực, tích cực nghiên cứu và đề xuất sáng kiến khả thi, nâng cao hiệu quả hợp tác. Chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân về ASEAN và sự tham gia của Việt Nam, huy động sự tham gia và đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
12. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Chính phủ và nhân dân các nước thành viên trong đại gia đình ASEAN. Nhân đây, tôi xin khẳng định rằng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần thiết thực và quan trọng vào sự phát triển của Hiệp hội, vì lợi ích to lớn của các thế hệ người dân ASEAN hiện nay cũng như trong tương lai.
Xin cám ơn Quý vị và các
bạn./.