Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 9/12 vừa qua, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chính thức công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu về tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn tỉnh…
Tham dự Hội nghị với tư cách doanh nghiệp đang có dự án đầu tư tại Cà Mau, đại diện Tập đoàn Bamboo Capital, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT - trình bày tham luận về những tiềm năng, lợi thế và cơ hội, môi trường đầu tư tại tỉnh Cà Mau đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của Cà Mau, ông Nguyễn Hồ Nam cho rằng tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ logistics. Vị trí địa lý của Cà Mau mang tính chiến lược, đây là trung tâm của vùng biển các nước Đông Nam Á và nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, rất thuận lợi để xây dựng cảng biển phục vụ giao thương hàng hải quốc tế.
Đặc biệt, với ba mặt giáp biển và chiều dài bờ biển trên 254 km, thềm lục địa rộng lớn, tốc độ gió biển ven bờ trung bình từ 6,3-7 m/s, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển các dự án điện gió. Tập đoàn Bamboo Capital đã thực hiện khảo sát, kết quả cho thấy tổng tiềm năng điện gió tại Cà Mau ước tính đạt trên 12.000 MW.
Tiềm năng điện gió tại Cà Mau càng đáng quan tâm hơn khi thời gian gần đây, Việt Nam và Singapore đang có những trao đổi, thỏa thuận về việc phát triển và xuất khẩu điện gió. Cà Mau có các lợi thế phù hợp để xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi với công suất 3-4 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dài khoảng 1.000 km dưới biển.
Cà Mau cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện của tỉnh. Hiện dự thảo Đề án đã hoàn thiện và đang trình Bộ Công Thương thẩm định. Đề án đặt mục tiêu xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2031 là 2.000 MW, đến năm 2035 là 3.000 MW, đến năm 2040 là 5.000 MW.
Mặc dù các cơ chế, chính sách cho việc cấp phép, triển khai đầu tư các dự án điện gió xuất khẩu còn đang trong thời gian bàn thảo nhưng với những lợi thế mà Cà Mau đang sở hữu, việc xuất khẩu năng lượng tái tạo rất khả thi. Phát triển năng lượng tái tạo trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội và là cú hích giúp tỉnh phát triển, trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Cùng với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, theo ông Nguyễn Hồ Nam, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là cơ sở để Bamboo Capital tự tin triển khai dự án năng lượng tái tạo lớn nhất của Tập đoàn trên địa bàn.
Hiện Bamboo Capital thông qua công ty thành viên là BCG Energy đang triển khai cụm dự án Nhà máy điện gió Khai Long có công suất 300 MW, tổng đầu tư lên đến 18.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 17 trụ điện gió với công suất 100 MW, mức đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2 và 3, Bamboo Capital sẽ tiếp tục đầu tư thêm 11.700 tỷ đồng cho 200 MW còn lại. Khi cụm 3 nhà máy điện gió Khai Long đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính sản lượng điện đạt khoảng 760 triệu kWh/năm, giúp giảm phát thải ra môi trường khoảng 500.000 tấn CO2/năm và đóng góp vào ngân sách của Cà Mau 280 tỷ đồng hằng năm.
Tháng 12/2022, Chính phủ Việt Nam và các nước trong nhóm các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Đức, Italy, Pháp, Mỹ, Canada và Nhật Bản, đã thành lập JETP để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. JETP cam kết huy động số tiền ban đầu đạt ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Nhà máy điện gió Khai Long giai đoạn 1 là một trong số ít các dự án năng lượng tái tạo được JETP xem xét hỗ trợ.
Cũng tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, ngoài việc cam kết nỗ lực xây dựng và sớm đưa Nhà máy điện gió Khai Long vào hoạt động, Bamboo Capital cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư thêm các dự án hạ tầng, cảng biển, logistics phù hợp để thông qua đó góp phần cùng tỉnh Cà Mau đạt được những mục tiêu mà quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Ý Thi