Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6
Dẫn nguồn từ hãng tin Yonhap ngày 3/9 TTXVN đưa tin khoảng 1 giờ sau khi xảy ra trận động đất thứ nhất, Hàn Quốc lại ghi nhận trận động đất thứ hai với cường độ 4,6 độ Richter xảy ra tại Triều Tiên, gần khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của nước này.
Trước đó, Cơ quan Giám sát động đất Trung Quốc cũng thông báo phát hiện trận động đất thứ hai với cường độ tương tự tại Triều Tiên.
Trong tuyên bố trên trang web, cơ quan này cho biết vụ động đất thứ hai xảy ra trên mặt đất, không có tâm chấn và xảy ra chỉ 8 phút sau địa chấn đầu tiên với cường độ ghi nhận được là 6,3 độ Richter. Theo những số liệu tổng hợp, 2 vụ động đất xảy ra gần giống nhau.
Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết chính phủ nước này xác nhận Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố kịch liệt phản đối nếu đây là vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Nếu đúng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, điều này này hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi kịch liệt lên án hành động này".
Ngoài việc tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, ông Abe cho biết ông đã chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan họp khẩn cấp và phân tích tình hình trước khi công bố thông tin này.
Ngay lập tức, Chính phủ Nhật Bản cũng triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham gia của nhiều bộ trưởng nhằm phản ứng với khả năng Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Nếu được khẳng định, đây sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên kể từ năm 2006. Hành động này của Triều Tiên đang tạo ra thách thức lớn cho sáng kiến hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, theo đó thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách, hướng tới phi hạt nhân thông qua đối thoại và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Triều Tiên đã có bom H gắn vào tên lửa xuyên lục địa
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã sản xuất được một loại bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kiểm tra loại bom H nói trên trong chuyến thăm Viện Nghiên cứu vũ khí hạt nhân.
KCNA nêu rõ Viện Nghiên cứu vũ khí hạt nhân đã thành công trong việc phát triển "một loại vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn", tạo ra "một bước ngoặt quan trọng" đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
KCNA khẳng định các nhà khoa học Triều Tiên "đã nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H nói trên đến một mức độ siêu tối tân hơn, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên".
Theo đó, loại bom H này thậm chí có thể được kích nổ ở độ cao lớn, tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm.
Tất cả thành phần chế tạo bom H đều do Triều Tiên sản xuất và mọi quy trình từ sản xuất vật liệu hạt nhân cấp vũ khí đến chế tạo, lắp ráp chính xác các vật liệu đều được thực hiện theo nguyên tắc Juche (tự chủ).
Tháng 1/2016, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4, đồng thời tuyên bố đây là vụ thử bom H. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố trên, cho rằng đây là vụ thử vũ khí cho rằng đây là vụ thử vũ khí phân hạt nhân.
Kể từ năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, trong đó có 2 vụ trong năm 2016.
Hiện căng thẳng vẫn gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua không phận Nhật Bản hôm 29/8 và phóng thử 2 ICBM hồi tháng 7 mà theo giới phân tích có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ trong đó có Los Angeles và Chicago.
Mỹ, Nhật thống nhất tăng cường sức ép
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trum đã điện đàm lần thứ 3 kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản.
Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về việc cần phải tăng cường sức ép với Triều Tiên, buộc nước này thay đổi chính sách.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe khẳng định hai bên hoàn toàn nhất trí rằng phải hợp tác với nhau cũng như phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường sức ép buộc Triều Tiên thay đổi chính sách.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh mối đe dọa từ phía Triều Tiên đang ngày một gia tăng, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác 3 bên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Triển khai máy bay tằng hình đến Hàn Quốc
Ngày 3/9, một số nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc việc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu tàng hình đến Hàn Quốc, nhằm đối phó với những mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa ngày càng nghiêm trọng từ Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin trên, cho biết Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận việc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 như một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng răn đe trước những mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hai bên dự kiến sẽ luân phiên triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ tới căn cứ không quân Osan - phía Nam thủ đô Seoul hoặc căn cứ Kunsan - phía Tây Nam bán đảo Triều Tiên.
Mỹ vẫn thường xuyên điều các loại khí tài chiến lược tới Hàn Quốc, trong đó bao gồm máy bay ném bom B-1B như một động thái phô trương sức mạnh mỗi khi Triều Tiên tiến hành các hoạt động khiêu khích. Tuy nhiên, việc triển khai luân phiên cho thấy những mối lo ngại gia tăng về sự phát triển nhanh chóng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.