Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bạn Phạm Quốc Oai viết: Trước hết, tôi đề nghị sửa đổi khoản 5 Điều 3 về việc giải thích từ ngữ: "Kiểm soát thủ tục hành chính".
Bởi theo quy định về phạm vi điều chỉnh tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP thì khái niệm “kiểm soát thủ tục hành chính” được hiểu là một quy trình đồng bộ, khép kín bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; công bố, công khai thủ tục hành chính sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính đó trong thực tiễn; tổ chức việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định hành chính đã ban hành, cũng như giám sát việc thực thi thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức rà soát các quy định về thủ tục hành chính đã được ban hành còn vướng mắc, bất cập để xây dựng, kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp.
Tuy nhiên khái niệm "Kiểm soát thủ tục hành chính" nêu tại khoản 5, Điều 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP lại được hiểu “là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính”. Như vậy khái niệm này chưa bao hàm đầy đủ các nội dung quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, mà mới chỉ dừng lại ở nội dung kiểm soát việc quy định về thủ tục hành chính; thiếu hẳn nội dung kiểm soát việc thực thi các thủ tục hành chính.
Nếu chỉ dừng lại ở khái niệm kiểm soát việc quy định về thủ tục hành chính như trên thì mới chỉ là một công việc trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (ở Bộ Tư pháp là chức năng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của các vụ chuyên môn) và một công việc trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (ở Bộ Tư pháp là chức năng kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật), cộng thêm chức năng theo dõi việc công bố, công khai thủ tục hành chính.
Nếu quy định như vậy, thì không cần thiết quy định việc thành lập thêm một hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính như dự thảo sửa đổi Điều 5 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, nhất là ở cấp bộ, ngành, địa phương. Do vậy, bạn đọc đề nghị dự thảo cần quy định rõ khái niệm “kiểm soát thủ tục hành chính” cho phù hợp.
Tương tự với lý do nêu trên, bạn Phạm Quốc Oai đề nghị bổ sung khoản 4, Điều 4 như sau: "Công tác kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính phải đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan được giao thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính."
Bổ sung chế tài đối với việc thực hiện quy trình đánh giá tác động khi ban hành TTHC
Theo bạn Phạm Quốc Oai, thực tiễn trong thời gian thực hiện cải cách thủ tục hành chính vừa qua cho thấy, do Nghị định số 63/2010/NĐ-CP chưa có chế tài bắt buộc nên việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá tác động về thủ tục hành chính.
Do vậy, tại Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung một khoản có nội dung: "Nghiêm cấm các cơ quan hành chính nhà nước ban hành các quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền quy định tại Nghị định này."
Đồng thời, bổ sung vào Điều 8 quy định về chế tài bắt buộc đối với việc thực hiện quy trình đánh giá tác động khi ban hành quy định về thủ tục hành chính: "Các quy định về thủ tục hành chính chỉ có hiệu lực pháp lý khi thực hiện quy trình đánh giá tác động về thủ tục hành chính và được cơ quan có thẩm quyền ban hành giao cho cơ quan chuyên môn được pháp luật quy định tổ chức thẩm định theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này."
Mời bạn đọc tiếp tục góp ý dự thảo tại đây.