Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam trở thành hội viên chính thức của VCCI. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, bán hàng trực tiếp, hay tại Việt Nam gọi là bán hàng đa cấp, là một trong những phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất (hay doanh nghiệp nhập khẩu) đến người tiêu dùng cuối cùng, trong đó một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng.
Đây là phương thức bán lẻ phổ biến trên toàn thế giới và đã được thừa nhận rộng rãi, được bảo vệ tại rất nhiều quốc gia, cũng như được công nhận tại các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tổng doanh thu ngành bán hàng trực tiếp trên thế giới được ghi nhận hơn 180 tỷ USD vào năm 2019, với sự tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2012-2018.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua, việc bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã và đang bị hiểu nhầm và gây ra nhiều tranh cãi. Tọa đàm sẽ làm rõ hướng đi, giải pháp của ngành thương mại quan trọng này. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động, tọa đàm như hôm nay để bảo vệ, hỗ trợ và "minh oan" cho ngành kinh doanh đa cấp chân chính này.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, trong suốt 15 năm qua, bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn, sức ép. Ngoài việc bị cạnh tranh chất lượng, thị trường, giá cả, thì ngành hàng còn bị sức ép rất lớn từ dư luận.
Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính đã được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động và được thể hiện rõ ràng trên website. Mặc dù vậy, một số bộ phận người tiêu dùng và dư luận vẫn hiểu sai và đánh đồng với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được cấp phép. Mong rằng trong thời gian tới, ngành bán hàng đa cấp sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, bảo vệ từ các cơ quan quản lý, đưa ngành hàng trở về đúng với giá trị thực của mình.
Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam cho biết, bán hàng đa cấp là ngành hàng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, với lịch sử hàng chục năm qua. Việc bán hàng trực tiếp đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và mang lại hiệu quả cao. Trên thế giới và Việt Nam hiện đang phát triển bán hàng đa cấp, đây là cơ hội cho ngành hàng này phát triển, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người và tạo nguồn thu lớn cho quốc gia.
Bán hàng đa cấp tại Việt Nam có lịch sử 15 năm, tuy non trẻ so với thế giới, nhưng trong 4 năm qua luôn có sự tăng trưởng liên tục, doanh thu phát triển. Mặc dù có nhiều điều tiếng từ các tổ chức cá nhân lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất chính, nhưng tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn tăng trưởng: Giai đoạn 2016- 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm, năm 2018 đạt hơn 10.000 tỷ đồng và năm 2019 khoảng hơn 12.000 tỷ đồng.
Kết quả đó là do việc quản lý đúng đắn của Bộ Công Thương, cũng như việc ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp mang lại những thay đổi mang tính đột phá với nhiều điều kiện và tiêu chí cụ thể rất nghiêm ngặt. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình để hướng tới phát triển kinh doanh lành mạnh, ổn định.
Ông Nguyễn Phương Sơn mong muốn, thời gian tới sẽ có một ngành bán hàng đa cấp phát triển lành mạnh, đóng góp cho phát triển đất nước, được người dân, báo chí, cộng đồng đánh giá công bằng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính và được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền quản lý để phát triển ổn định, bền vững.
Trong khuôn khổ của tọa đàm, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đã trở thành hội viên chính thức của VCCI với mong muốn tiếp tục kinh doanh bền vững và cùng cộng đồng doanh nghiệp đóng góp hơn nữa vào công cuộc phát triển xã hội kinh tế của Việt Nam.
Thiện Tâm