• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bán phân bón phải có bằng cấp: Dễ cho người quản lý

(Chinhphu.vn) – Chuyên gia nhận định việc quy định người buôn bán phân bón phải có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn có thể không hiệu quả trong thực tế, còn tạo ra những phiền hà, gia tăng chi phí cho thương nhân, doanh nghiệp.

29/06/2017 16:16

Thời gian qua, tình hình các loại phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính.

Trước tình trạng này, trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đề xuất bổ sung quy định người buôn bán phân bón phải có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc có bằng trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành có liên quan. Đây là một trong những điều kiện để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Cần nghiên cứu kỹ quy định người buôn bán phân bón phải có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn. - Ảnh minh họa

Theo tờ trình được Bộ NN&PTNT gửi lên Chính phủ, Nghị định quản lý phân bón cũ không quy định các cở sở kinh doanh phân bón phải có giấy chứng nhận kinh doanh. Theo Bộ này, đây chính là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, không thể kiểm soát được trên thị trường trong thời gian qua.

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành sẽ là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón này.

Cần tìm nguyên nhân gốc rễ

Bình luận về dự thảo, chuyên gia kinh tế, PGS.TS.Ngô Trí Long cho rằng: “Bộ NN&PTNT có cái lý của họ khi đề xuất bổ sung quy định này”. Khi bản thân người bán không đủ năng lực để phân biệt phân bón thật, giả cũng dẫn đến tình trạng nhập phải hàng kém chất lượng và bán cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện tượng phân bón giả tràn lan do nhiều nguyên nhân gây ra, phải tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì mới có giải pháp phù hợp. “Đưa ra quy định như vậy cần xem xét việc người buôn bán không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn có là nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng phân bón giả tràn lan, khó kiểm soát hay không?”, ông Ngô Trí Long nhận định.

Trong khi đó, quy định này tạo ra rào cản đối với các cơ sở kinh doanh, khi trước hết đối với những người muốn kinh doanh mà không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn, không có bằng cấp thì coi như bị loại. Thêm nữa, với những người có trình độ bằng trung cấp hoặc mới chỉ hoàn thành một khóa đào tạo để được cấp chứng nhận chuyên môn mà không có những phương tiện kỹ thuật trong tay thì cũng chưa chắc đã có thể kiểm nghiệm tính thật, giả của các loại phân bón.

Mặt khác, khi yêu cầu này mang tính chất phổ cập rộng rãi có thể tạo cơ chế độc quyền cho các đơn vị tổ chức đào tạo, cấp bằng. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng bán bằng, cho thuê bằng nếu không được giám sát chặt chẽ.

“Không phải trong vấn đề gì khi gặp khó khăn trong việc quản lý, lại dùng biện pháp ‘cấm’, hoặc tạo ra những điều kiện ràng buộc, bắt buộc người kinh doanh phải đáp ứng, như vậy là đi ngược lại tinh thần kiến tạo”, ông Long kiến nghị.

Thêm điều kiện kinh doanh có phải là giải pháp?

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc quy định người buôn bán phân bón phải có chứng nhận chuyên môn không mang lại nhiều ý nghĩa, tạo ra những phiền hà, gia tăng chi phí cho thương nhân, doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, có nhiều dẫn chứng tương tự trong các lĩnh vực khác. Theo quy định, để đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động, chủ cơ sở in phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

Ông cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được cấp chứng nhận, họ phải tham gia khóa đào tạo kéo dài 5 ngày với chi phí khoảng 5 triệu đồng/khóa, thực chất chỉ là việc cập nhật các quy định pháp luật và các nội dung không giúp ích cho việc điều hành hoặc kiểm soát hoạt động của cơ sở in, nhưng lại tạo ra chi phí lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ.

Theo ông, việc quy định như vậy sẽ tạo “điểm dễ” cho cơ quan quản lý Nhà nước do “chỉ cần ngồi một chỗ để quyết định việc cấp phép hoặc rút giấy phép, trong khi gốc rễ ở đây vẫn là giám sát thực hiện”.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng thực trạng thị trường phân bón phức tạp có nguyên nhân mấu chốt là do pháp luật chưa nghiêm, thực thi chưa nghiêm túc. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý chọn cách khó khăn hơn, tức là phải trừng phạt nghiêm những người vi phạm pháp luật, khuyến khích những người bị thiệt hại khởi kiện hoặc thậm chí, đối với những vụ việc nghiêm trọng phải truy tố thì mới mong giải quyết triệt để được tình trạng này.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần nghiên cứu kỹ, đánh giá nhiều chiều trước khi đưa quy định này vào nội dung Nghị định sửa đổi chính thức để tránh tình trạng tạo ra độc quyền, sự khan hiếm nguồn cung, cũng như tạo những rào cản cho doanh nghiệp.

Nếu vẫn thực hiện, trách nhiệm cấp chứng nhận chuyên môn nên được giao cho các đơn vị độc lập hoặc các hiệp hội doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước không nên đứng ra tổ chức đào tạo, cấp chứng nhận, chỉ nên thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng của các tổ chức bên ngoài, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.

Thu Hương