Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh - Ảnh: Quang Hòa
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, việc Việt Nam tham gia ASEAN là một quyết sách mang tính chiến lược – không chỉ của Việt Nam mà còn của cả ASEAN vào thời điểm đó. Quyết định này đã khép lại một giai đoạn dài Đông Nam Á bị phân tách, chia rẽ và đối đầu, để mở ra một giai đoạn mới, bắt đầu quá trình gắn kết khu vực, hướng tới một "gia đình ASEAN".
Quá trình Việt Nam tham gia ASEAN cũng gắn liền với sự hình thành tầm nhìn chung của ASEAN: Từ ASEAN 10 nước, đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và cùng nhau phát triển.
Từ góc độ Việt Nam, có thể chia thành các giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, làm quen và thúc đẩy hội nhập trong ASEAN. Ngay sau khi tham gia ASEAN, dấu mốc đầu tiên là Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 1998 với Tuyên bố Hà Nội được các nước trong khu vực đánh giá cao, đặc biệt nhấn mạnh tầm nhìn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên mới và cũ.
Giai đoạn này cũng chứng kiến sự tham gia ASEAN của Việt Nam vào năm 1995 và sau đó là 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia hoàn tất quá trình gia nhập vào năm 1999. Như vậy, lần đầu tiên ASEAN hoàn thiện cấu trúc 10 nước.
Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia vào lộ trình liên kết kinh tế ASEAN, giảm thuế quan về gần bằng 0, bắt kịp với các nước khác để hình thành một không gian kinh tế chung. Đây là giai đoạn mà ASEAN gắn kết thành một khối, còn Việt Nam thì làm quen, hội nhập và từ đó từng bước vươn ra thế giới.
Sự tham gia ASEAN năm 1995 cũng là bước đầu tiên của Việt Nam trong hành trình hội nhập quốc tế, tạo tiền đề cho việc ký Hiệp định song phương về thương mại với Mỹ năm 2001 và tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006-2007.
Ngay trong giai đoạn đầu này, Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể, như việc đăng cai Hội nghị Cấp cao năm 1998; giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN năm 2000–2001... Những đóng góp này được các nước trong khu vực ghi nhận và đánh giá cao.
Giai đoạn thứ hai, Việt Nam cùng các nước thành viên kiến tạo và thúc đẩy phát triển của ASEAN trước bối cảnh phát triển nội tại và những biến động quốc tế.
Trong giai đoạn từ 2007-2020, Việt Nam đã cùng ASEAN xây dựng tầm nhìn cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: Chính trị–an ninh, kinh tế, và văn hóa–xã hội.
Chúng ta cũng đóng góp vào việc xây dựng Hiến chương ASEAN (thông qua năm 2007-2008 và có hiệu lực năm 2008). Đây là văn kiện pháp lý quan trọng nhất của hiệp hội (trước đó ASEAN chỉ dựa trên Tuyên bố Bangkok 1967).
Năm 2010 là một dấu mốc rất quan trọng khi Việt Nam lần đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN theo mô hình mới của Hiến chương. Việt Nam đã điều phối toàn bộ hoạt động của ASEAN trong năm, đưa bộ máy mới vào vận hành hiệu quả, đồng thời thúc đẩy chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động".
Một dấu ấn kiến tạo khác là năm 2020 khi Việt Nam lần thứ hai làm Chủ tịch ASEAN với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng". Đây cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN chèo lái qua giai đoạn khó khăn đó: Triệu tập các cuộc họp khẩn để phối hợp ngăn chặn đại dịch; đưa ra sáng kiến về kho dự trữ vật tư y tế, quỹ vaccine; duy trì chuỗi cung ứng; và lập kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Chúng ta đã kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, mà vẫn bảo đảm được kết quả quan trọng: Thúc đẩy các ưu tiên về xây dựng cộng đồng, hợp tác với các đối tác và xử lý các vấn đề khu vực.
Ví dụ điển hình là việc Việt Nam cùng các nước thành viên tiến hành kiểm điểm giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và sau đó đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, mà nay là tầm nhìn 2045.
Giai đoạn thứ ba – giai đoạn hiện tại, khi thế giới đang biến động rất nhiều, ASEAN đặt ra Tầm nhìn 2045 và đòi hỏi khu vực phải phát triển lên một tầm cao mới. Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng ASEAN để thích ứng với những biến động sâu sắc của thế giới; nâng cao chất lượng liên kết nội khối; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...); phát huy vai trò trung tâm, độc lập, tự chủ chiến lược để vừa giữ vững vị thế, vừa tranh thủ được các mối quan hệ quốc tế vì hòa bình và phát triển.
Tóm lại, ý nghĩa của dấu mốc 30 năm qua không chỉ nằm ở tầm nhìn chiến lược, mà còn thể hiện qua những đóng góp liên tục, ngày càng sâu sắc của Việt Nam vào tiến trình xây dựng và phát triển ASEAN.
Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập ASEAN và 29 năm Việt Nam tham gia ASEAN
Nói về bản sắc Việt Nam trong suốt hành trình tham gia ASEAN, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng có ba từ không thể không nhắc đến: Đoàn kết - Việt Nam luôn coi trọng tinh thần đoàn kết trong ASEAN. Trách nhiệm - Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm trong việc tham gia và thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kiến tạo - Việt Nam cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng, giữ vai trò trung tâm trong xử lý các vấn đề khu vực và chủ động thích ứng để tiếp tục hợp tác hiệu quả với các đối tác bên ngoài.
Theo Đại sứ, hiện nay, thế giới đang biến đổi rất sâu sắc và khu vực cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Mặc dù ASEAN đã khẳng định được vai trò của mình và được khu vực cũng như thế giới công nhận nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải nỗ lực vượt lên phía trước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, ASEAN vẫn là tổ chức duy nhất trong khu vực này không chỉ kết nối 10 nước Đông Nam Á hiện nay và sắp tới là 11 nước, mà còn đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ…
Phía trước vẫn còn nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ASEAN. Về địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, tình hình bất ổn trên thế giới đòi hỏi ASEAN phải tranh thủ các nước lớn nhưng đồng thời tránh rơi vào thế cạnh tranh, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.
Về kinh tế, trước tình hình kinh tế thế giới biến động với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, toàn cầu hóa bị xói mòn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do cả yếu tố khách quan (dịch bệnh) lẫn chủ quan (cạnh tranh chiến lược, khủng hoảng), ASEAN cần duy trì được chuỗi cung ứng bền vững và tiếp tục hợp tác hiệu quả với các đối tác.
Về khoa học - công nghệ, thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc nhờ khoa học công nghệ. Nếu không kịp nắm bắt, ASEAN sẽ đối mặt nguy cơ tụt hậu. Do đó, ASEAN cần tranh thủ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để theo kịp mô hình tăng trưởng mới.
Đối với các vấn đề trong khu vực như Myanmar, Campuchia - Thái Lan, Biển Đông…, ASEAN phải tiếp tục nhấn mạnh đối thoại, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Có thể nói, ASEAN ngày nay là một tổ chức có vị thế rất cao, được coi trọng trong khu vực và thế giới, nhưng đồng thời ASEAN cũng đứng trước kỳ vọng phát triển lớn hơn.
"Tầm nhìn 2045 đã đặt ra những định hướng phát triển mới cho ASEAN. Tôi tin chắc rằng, Việt Nam, với mục tiêu phát triển chất lượng cao hơn, bền vững hơn, hướng tới kỷ nguyên mới, sẽ tiếp tục đóng góp vào bản sắc Việt Nam trong ASEAN. Đó là, tiếp tục thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; đóng góp có trách nhiệm vào mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh đến xử lý thách thức chung; và cùng ASEAN kiến tạo những bước đi và tầm nhìn mới để tổ chức khu vực ngày càng phát triển hơn", Đại sứ cho biết.
BT
(Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam)