Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc ban hành chế độ báo cáo công tác dân tộc là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền về lĩnh vực công tác dân tộc; làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Nội dung chế độ báo cáo công tác dân tộc phải phù hợp với quy định tại các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Số liệu thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc phải thống nhất, chính xác, bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng. Thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc bằng văn bản điện tử, ký số trên Hệ thống thông tin báo cáo.
Theo dự thảo, báo cáo công tác dân tộc định kỳ được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp, toàn diện để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc được thực hiện theo một chu kỳ xác định và lặp lại nhiều lần.
Báo cáo công tác dân tộc chuyên đề được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực công tác dân tộc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc và được thực hiện một hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định.
Báo cáo công tác dân tộc đột xuất được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh đột xuất trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Về báo cáo tháng và báo cáo quý: Đối tượng báo cáo là Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
Thực hiện lồng ghép báo cáo tháng 3 vào báo cáo quý I, báo cáo tháng 6 vào báo cáo 6 tháng đầu năm; báo cáo tháng 9 vào báo cáo quý III và báo cáo tháng 12 vào báo cáo năm; lồng ghép báo cáo quý II vào báo cáo 6 tháng đầu năm, báo cáo quý IV vào báo cáo năm.
Nội dung yêu cầu của báo cáo: Đánh giá công tác quản lý, điều hành của Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc; của Vụ, đơn vị; tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); báo cáo cần nêu rõ tình hình nổi bật, những vấn đề cần lưu ý, có số liệu, nhận định, đánh giá và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để ổn định tình hình vùng DTTS&MN…
Về báo cáo 6 tháng và báo cáo năm: Đối tượng báo cáo gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp; các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
Nội dung yêu cầu của báo cáo gồm: Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, báo cáo năm liền kề của kỳ báo cáo; giải pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền…
Báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số của người có thẩm quyền gửi Ủy ban Dân tộc qua Vụ Tổng hợp và các Vụ, đơn vị theo địa chỉ email: vutonghop@cema.gov.vn;chuongtrinhmtqg3@cema.gov.vn;vuchinhsachdantoc@cema.gov.vn;vukehoachtaichinh@cema.gov.vn;vudiaphuongI@cema.gov.vn; vudiaphuongII@cema.gov.vn; vudiaphuongIII@cema.gov.vn và trên trục liên thông văn bản quốc gia của Ủy ban Dân tộc.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh