Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu.
Trong báo cáo đánh giá, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, công tác báo chí năm 2022 đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, báo chí đã thông tin, tuyên truyền tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Báo chí cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022. Tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Công tác thanh tra, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được thực hiện bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập, những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp kéo dài, chưa theo kịp yêu cầu của xã hội; một số cơ quan chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí; vai trò của hội nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Nhiều cơ quan chủ quản báo chí còn buông lỏng quản lý; thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh; đầu tư cho cơ quan báo chí trực thuộc. Một số cơ quan báo chí tỉ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp còn chậm, thiếu nhạy bén; vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, định hướng, nhân văn. Tình trạng "báo hóa" tạp chí, các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để…
Những hạn chế, thiếu sót trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như vấn đề kinh tế báo chí ngày càng khó khăn; cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới; lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí còn hạn chế về năng lực…
Năm 2023, ông Trần Thanh Lâm cho biết các cơ quan chức năng xác định cần đẩy mạnh thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; 3 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan chủ quản báo chí và 5 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí.
Theo đó, với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, sự phối hợp nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý báo chí. Nghiên cứu sửa đổi một số quy định trong quản lý báo chí; ban hành quy định trách nhiệm, quyền hạn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí thay thế quy định cũ; đẩy mạnh thanh tra, giải quyết căn bản các vấn đề nóng, nhất là những hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích; xử lý dứt điểm tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, rà soát biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí…
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, yêu cầu cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản báo chí; đảm bảo điều kiện để các cơ quan báo chí hoạt động, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí; phối hợp trong rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.
Còn đối với cơ quan báo chí, cần tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghề nghiệp. Đặc biệt, cần nhận thức rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, bám sát tôn chỉ, mục đích. Với cơ quan tạp chí, tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, đảm bảo tỉ lệ, hàm lượng nội dung mang tính học thuật, tin lý luận, phân tích, kiến giải chuyên sâu, chuyên ngành bám sát tôn chỉ, mục đích…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của báo chí và kết quả hoạt động của báo chí. Ông cho rằng vừa qua báo chí đã góp phần vào thành công của công tác tư tưởng văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái thù địch.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong giai đoạn tới, báo chí có 5 sứ mệnh lớn cần thực hiện, đó là: Cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ định hướng tư tưởng; báo chí phải đi từ thực tiễn, những vấn đề mới; phải đồng hành cùng với dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; nhận thức đầy đủ và làm tốt chức năng phản biện xã hội, phản biện đúng, trúng thực tiễn; đóng vai trò xung kích trong lan tỏa cái đẹp, tích cực, hạn chế cái xấu, tiêu cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; đồng hành và tiên phong hơn nữa trong việc tuyên truyền quan điểm đối ngoại của đất nước.
Để làm tốt những sứ mệnh trên, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu báo chí phải làm tốt 6 nhiệm vụ:
Thứ nhất, thực hiện thật tốt Đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Đề án này không phải là một đề án kỷ niệm ngày truyền thống thông thường mà phải mang tính chiến đấu, hướng tới xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn hơn, phải có tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, mặc dù chúng ta đã làm tốt, tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn cho nên cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch quản lý phát triển báo chí, xuất bản, làm sao đúng thực tiễn, có đặc thù và tổng kết 5 năm thực hiện.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Chủ trương thì có rồi, có sự động thuận cao của các cơ quan, ban ngành và địa phương và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thứ tư, về nguồn lực phát triển báo chí. Có 3 nguồn lực: Con người, đầu tư và tài chính ngân sách. Tuy nhiên nguồn lực con người là quan trọng nhất. Do đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và xây dựng mô hình về con người báo chí cần phải đặt ra.
Thứ năm, vấn đề xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí. Nơi nào có tổ chức đảng cần làm cho tốt, một số cơ quan báo chí chưa có thì trách nhiệm là của tổng biên tập, của đảng viên và đội ngũ phóng viên ở cơ quan báo chí đó, tinh thần chung là phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu, đồng hành với mục tiêu chung đó là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự lực tự cường của nhân dân. Để làm được việc này phải thông qua giáo dục, do đó trách nhiệm của báo chí là rất quan trọng, hướng người dân làm theo. Đồng thời phải đồng hành với an sinh xã hội, đây là lợi thế của báo chí. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã làm tốt, tuy nhiên cần làm tốt hơn.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 32 tập thể để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Mạnh Hùng