Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết, là quốc gia nằm ở hạ lưu các nguồn nước quốc tế, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. "Đó là, phân bố không đều theo thời gian và không gian, lưu lượng nước không đều, tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu, gay gắt…”, ông Tân nhận định.
Thảm họa lũ ống, lũ quét, lụt lội, sạt lở đất làm môi trường nguồn nước bị ô nhiễm, khiến người dân vùng lũ thiếu nước sạch trầm trọng. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho người dân và cộng đồng.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc cấp nước an toàn còn gặp một số hạn chế như nước chưa được coi trọng là hàng hóa đặc biệt, hoạt động cấp nước nguy cơ mất an toàn cao do nguồn nước thiếu, nhiễm mặn, ô nhiễm. Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn chưa hợp lý. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự bảo đảm chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu.
Chia sẻ về các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, bà Lê Thị Việt Hoa, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Mội trường) cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với các vùng miền.
Thùy Chi