Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, Luật dược 2005 đã quy định các chính sách của nhà nước về lĩnh vực dược (Điều 3) trong đó đề ra chính sách phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, ưu tiên phát triển công nghiệp dược.
Tuy nhiên, việc quy định phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn cần nghiên cứu quy định lại vì hiện nay theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược Việt Nam mới ở mức 3-4 trong 5 cấp độ. Thực tế, giá trị thuốc sản xuất trong nước mới chiếm tỷ lệ 0,93% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2011. Khu vực sản xuất dược phẩm trong nước chỉ chiếm 0,11% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia năm 2011 mặc dù hiện nay đã có 121 nhà máy sản xuất thuốc tân dược, 61 doanh nghiệp sản xuất thuốc dược liệu và trên 130 cơ sở đăng ký hộ kinh doanh sản xuất thuốc dược liệu nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ cả về tài chính lẫn nhân lực. Vì vậy, cần xác định lại mục tiêu phát triển của ngành cho phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Luật dược 2005 chưa đề cập đến chính sách về bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân cũng như chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Do vậy, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược như sau:
1- Bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
2- Kết hợp đầu tư ngân sách với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất thuốc generic, vắc xin, thuốc dược liệu và hóa dược.
3- Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp tại các cơ sở y tế nhà nước, các chương trình y tế quốc gia và trong đấu thầu mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí bảo hiểm y tế.
4- Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược, trong đó ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho hoạt động dược lâm sàng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn