Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, cách đây gần 10 năm, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế thành công khi nước ta tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 5/2/2007, Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới".
Từ đó đến nay, nhất là những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu thông qua việc ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm những thỏa thuận không chỉ về tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn gồm cả các cam kết về lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và nhiều vấn đề về chính trị, văn hoá, xã hội rất phức tạp và nhạy cảm khác.
Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015, triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á-Âu, đặc biệt là việc ký kết và chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU đã và sẽ mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới, không chỉ về kinh tế mà còn cả về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội.
Từ sự phân tích nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị nghiên cứu kỹ các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; đánh giá toàn diện, khách quan bối cảnh, tình hình, những tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là những yếu tố tác động đến ổn định chính trị-xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận định chính xác những cơ hội và thách thức đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong 5-10 năm tới. Làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và một số chủ trương, chính sách lớn bảo đảm vừa hội nhập kinh tế quốc tế thành công vừa giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Trong quá trình này, cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về hội nhập quốc tế, tình hình thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về việc gia nhập WTO, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị khoá XI về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI "Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" để xem xét, ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương nhằm kế thừa, bổ sung phát triển các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với tình hình đất nước, khu vực và thế giới. Tập trung làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sắp tới là gì để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xác định cụ thể, rõ ràng những chính sách, biện pháp ngăn chặn, xử lý những thách thức, tác động tiêu cực từ việc thực hiện các cam kết quốc tế mới có thể xảy ra, đặc biệt là những thách thức, tác động tiêu cực đối với nông nghiệp và nông dân, với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mở cửa thị trường, đưa thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng về bằng không; đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội khi thực hiện các cam kết về lao động-công đoàn, tự do hóa thị trường dịch vụ, trong đó có thị trường dịch vụ tài chính-tiền tệ, dịch vụ viễn thông, Internet và các trang mạng xã hội...
Nguyễn Hoàng