Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều cậu ấm, cô chiêu phát phì vì ăn nhiều. |
Riêng tại các đô thị lớn ở Việt Nam, tình trạng thừa béo phì của trẻ em ở mức cao so với trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân béo phì là 9,6%, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu (khoảng 6,9%), còn tại vùng trung tâm Thành phố là 12,2%.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cùng với những thay đổi về kinh tế-xã hội, đặc biệt là do tăng trưởng kinh tế rõ rệt đã dẫn đến những thay đổi vế lối sống và khẩu phần ăn của người Việt Nam, nhất là ở các vùng đô thị.
Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em đã thay đổi cả về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo. Điều đó, một mặt giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, nhưng mặt khác lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…
PGS. Lê Bạch Mai cũng cho biết, khẩu phần của trẻ em ở đô thị tại Việt Nam chưa đảm bảo đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng (vitamin A, Fe). Bên cạnh đó, khẩu phần của trẻ ở thành phố có xu hướng tiêu thụ giảm lương thực, tăng thức ăn động vật, chất béo và đường ngọt cao hơn so với khẩu phần chung.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Y–xã hội học, trong nuôi dưỡng trẻ, chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của các bà mẹ, tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác còn rất thấp (0.5-3%). Hầu hết (90%) bà mẹ quyết định mua sản phẩm dựa trên các thông tin quảng cáo.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy có tới 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% bà mẹ có con thừa cân vẫn muốn con mình tiếp tục tăng cân để có lực cho phát triển và dự phòng những lúc trẻ ốm. BS. Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y-xã hội học cho biết, số liệu đó đã gây nên tình trạng đáng báo động hiện nay về tình trạng thừa cân béo phì của trẻ em thành thị.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo bữa ăn của trẻ cần đa dạng, cân đối, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, C, vitamin D, E, K và các chất khoáng (sắt, kẽm, iodine, đồng, mangan, magnesium)… Bên cạnh đó, các gia đình cần theo dõi tăng trưởng của trẻ em và bổ sung vitamin A kịp thời cũng như điều chỉnh chế độ ăn khi trẻ đã thừa cân béo phì. |
Thúy Hà