Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những tuần gần đây, liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em gây thương tích, thậm chí dẫn đến tử vong đã gây phẫn nộ trong xã hội. Dư luận đặt câu hỏi, bi kịch với những đứa trẻ này từ đâu đến và giải pháp gì để ngăn chặn những sự việc tương tự này?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Trung tá, TS. chuyên gia nghiên cứu tội phạm Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho rằng, đó là thói ích kỉ, tính độc ác, vô nhân tính đã có sẵn trong bản tính tội phạm. Một khi không đạt được mục đích, cũng như không kiềm chế được hành vi, tội phạm sẽ quyết tâm thực hiện phạm tội đến cùng vì động cơ đê hèn.
TS. Đào Trung Hiếu bày tỏ quan điểm vụ việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị 'dì ghẻ' Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong và tiếp theo đó, vụ việc bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ là Nguyễn Trung Huyên ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đóng 9 cái đinh vào đầu đang trong tình trạng nguy kịch…, nạn nhân đều là những đứa trẻ sinh sống cùng với những "dì ghẻ, cha dượng" trong những gia đình đã đổ vỡ hôn nhân trước đó. Các cháu không được bảo vệ, trở thành nạn nhân của những kẻ "khác máu tanh lòng" ích kỷ, nhẫn tâm.
Nhìn từ góc độ nghiên cứu tâm lý tội phạm, TS. Đào Trung Hiếu đưa ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành, đánh đập dã man trẻ nhỏ như 2 vụ việc ở trên.
Thứ nhất là trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, những kẻ phạm tội coi "núm ruột" của người tình là cái gai trong mắt. Mỗi lần tiếp xúc với trẻ nhỏ, họ thường có sự ghen tị, căm hận khi nghĩ về những tháng ngày trước đây mà người tình của mình từng có với người trước. Hơn nữa, do trẻ nhỏ thơ ngây, không có khả năng tự vệ, phản kháng, sợ hãi hay không biết cách, không dám nói chuyện xảy ra với mình cho những người xung quanh, chỉ âm thầm chịu trận, nên đối tượng phạm tội cho phép mình có quyền được hành hạ đứa trẻ ấy.
Thứ hai là do sự vô cảm của những người thân thích, hàng xóm. Theo Trung tá Hiếu, những vụ tử vong của trẻ gần đây đều do bị bạo hành trong gia đình. Trước khi bị giết, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi với những chấn thương để lại trên thân thể. Vậy câu hỏi đặt ra là những người ruột thịt, thân thích có biết không? Hàng xóm có nghe thấy những tiếng khóc của trẻ không? Cô giáo mầm non, nhà trường có phản ứng gì khi thấy những biểu hiện bất thường của trẻ nhỏ?
"Tôi cho rằng, ở các vụ án này, sau kẻ trực tiếp gây tội ác thì trách nhiệm liên đới chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên… Đây là "thói thờ ơ, vô cảm", chỉ chăm lo cho mối quan tâm hay lợi ích của mình mà không nghĩ rằng giá như quan tâm một chút thì một tính mạng đã có thể được giữ lại. Đây là thiếu sót về ý thức trách nhiệm công dân, về tình người", TS. Hiếu phân tích.
Thứ ba, đó là sự tương đồng về nhân cách thoái hóa, lệch lạc của kẻ gây án và người liên quan. Kẻ trực tiếp bạo hành trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố, mẹ.
Điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỉ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỉ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.
Người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ các cháu. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con. Rất có thể trong họ tồn tại suy nghĩ đứa con là một gánh nặng, việc phải nuôi con chỉ như nghĩa vụ, chứ không có tình mẫu tử, phụ tử. Rất có thể, trong sâu thẳm, họ cũng thấy đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới. Chưa hết, đứa bé còn nhắc họ nhớ về những buồn thảm đã qua với mảnh ghép không hoàn hảo cũ. Với các sắc thái tâm lý này, ở một chừng mực nào đó, có thể họ đồng tình với hành động bạo hành của nhân tình với chính núm ruột của mình.
Từ các vụ án thương tâm này, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, cần đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng, đó là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, bảo vệ trẻ em trong các cuộc li hôn, đánh thức trách nhiệm và lòng thương yêu con người trong cuộc sống. Đồng thời phải nghiêm trị những hành vi độc ác, vô nhân tính, hành hạ trẻ em.
Dưới góc độ luật pháp, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng với vụ án Nguyễn Trung Huyên (ở Thạch Thất, Hà Nội) bắn 9 chiếc đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi, sẽ bị khởi tố với hành vi "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với những tình tiết định khung như giết người dưới 16 tuổi, giết người vì động cơ đê hèn. Mức án cao nhất đối với tội danh này là tử hình.
Với vụ án bé N.T.V.A. (8 tuổi, ở chung cư Sài Gòn Pearl thuộc quận Bình Thạnh) bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) hành hung dẫn tới tử vong tối 22/12/2021, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã bị khởi tố với hành vi "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với cha đẻ của bé, Nguyễn Kim Trung Thái, anh ta thừa nhận nhiều lần chứng kiến Trang đánh con nhưng không ngăn cản, ngoài ra, nhà chức trách còn phát hiện Thái xóa dữ liệu camera ghi cảnh Trang nhiều lần đánh đập bé gái do lo sợ vụ việc làm ảnh hưởng tới vợ sắp cưới). Bước đầu Thái có thể sẽ bị xử lý về tội "Che giấu tội phạm" với mức án tối đa là 7 năm tù theo Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Giang Oanh