Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mặc dù đã có sự chuẩn bị ứng phó chu đáo từ Trung ương đến các địa phương nhưng chỉ sau hơn một ngày "tấn công" vào một số tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam, cơn bão số 3 - siêu bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nặng nề và người và tài sản.
Theo thống kê của Bảo hiểm Agribank, tính đến hết ngày 9/9/2024 đã ghi nhận khoảng gần 400 vụ tổn thất từ các doanh nghiệp (chưa tính đến tổn thất từ khách hàng cá nhân), ước tính thiệt hại vốn vay từ Agribank khoảng 100 tỷ đồng. Các loại tài sản bị hư hỏng bao gồm máy móc, thiết bị công nghiệp và công trình hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình tại khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đã phải đối mặt với những thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống.
Với phương châm "chủ động vào cuộc để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp và người dân vùng thiên tai", Ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh triển khai đội ngũ giám định viên xuống hiện trường giám định và đánh giá thiệt hại, đảm bảo việc bồi thường được thực hiện nhanh chóng và chính xác nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp sớm khắc phục thiệt hại, tái thiết cuộc sống sau bão.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc kịp thời bồi thường hoặc ứng tiền cho khách hàng bị tổn thất, Bảo hiểm Agribank cũng đã nhanh chóng triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt. Các cán bộ địa bàn đã chủ động liên hệ từng khách hàng đã mua bảo hiểm tài sản để nắm bắt thông tin tổn thất. Đặc biệt Công ty cũng đã chỉ đạo từng đơn vị phải chủ động, linh hoạt thu thập hồ sơ thiệt hại, linh hoạt sử dụng phương án bồi thường thiệt hại, cần thiết không cần chờ chứng từ khắc phục thiệt hại mà trả tiền bồi thường ngay cho khách hàng để khách hàng có nguồn lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống hàng ngày.
Tại Hải Phòng, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi. Theo ước tính, tổn thất tại địa bàn của khách hàng Bảo hiểm Agribank tại địa bàn này đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Các phương tiện vận tải biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh cá của ngư dân, bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trước tình hình này, Bảo hiểm Agribank chi nhánh Hải Phòng đã khẩn trương cử các chuyên gia giám định đến hiện trường để kiểm tra, đánh giá thiệt hại và nhanh chóng tiến hành các thủ tục bồi thường. Sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hộ dân đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất và kinh doanh.
Tại Nam Định, Bảo hiểm Agribank chi nhánh Nam Định cũng đã kịp thời cử cán bộ giám định bồi thường xuống nhà máy gạch Hà Nam; nhà xưởng của khách hàng tại Tiền Hải (Thái Bình)… để xác định mức độ thiệt hại và nhanh chóng lên kế hoạch bồi thường…
Tại các địa phương khác như Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai do tình trạng ngập úng sâu và diện rộng nên công tác thống kê thiệt hại bước đầu đang gặp nhiều khó khăn. Các chi nhánh của Bảo hiểm Agribank cũng đang tiếp tục bám sát diễn biến của thời tiết để nhanh chóng hỗ trợ khách hàng ngay khi tình trạng thời tiết tốt hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc giám định và bồi thường thiệt hại để khách hàng kịp thời khắc phục hậu quả, Bảo hiểm Agribank còn hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn. Công ty đã chủ động tư vấn cho người dân về các giải pháp bảo hiểm phù hợp, giúp họ phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trước những biến đổi khó lường của thời tiết. Việc tham gia bảo hiểm đã giúp nhiều hộ dân và doanh nghiệp giảm thiểu được những tổn thất kinh tế nặng nề do thiên tai. Với sự hỗ trợ tài chính nhanh chóng và minh bạch từ Bảo hiểm Agribank, người dân đã có thể sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục phương tiện sản xuất và ổn định lại cuộc sống.
Anh Minh