Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước ngày 1/10/2009, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi trong cả nước được chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB miễn phí tại các cơ sở y tế công lập theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qua thẻ KCB (trước đây do ngành Dân số và sau này là ngành TBXH lập danh sách, cấp) với hình thức "thực thanh thực chi": Trẻ nhập viện được thanh toán toàn bộ chi phí KCB mà không cần quan tâm đến trần và danh mục thuốc. Sau 3 năm thực hiện (từ 2005-2008), tỉnh ta đã cấp được 369.406 thẻ KCB. Nhờ vậy, số trẻ được chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế công lập tăng cao, số trẻ mắc bệnh và tử vong vì bệnh giảm. Chính sách này hết sức thiết thực với trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hay trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh không ít khó khăn, bất cập: Có nhiều trẻ không được KCB miễn phí do không đến đúng tuyến. Đặc biệt, các bệnh viện gặp khó khi phải chia nhân lực cho việc thanh, quyết toán. Nhân viên khoa Nhi công việc nặng nề, vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Việc lạm dụng đơn thuốc gây khó khăn trong quản lý, giám sát... Ở tỉnh ta, số thẻ KCB miễn phí rất lớn, trong khi hệ thống cơ sở khám chữa bệnh nhi khoa chỉ mới có một Bệnh viện Nhi (tuyến tỉnh), một khoa Nhi của BVĐK Tây Bắc, các bệnh viện huyện còn lại thì chưa có khoa Nhi hoặc lồng ghép với các khoa khác. Đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa Nhi thiếu ngay cả ở tuyến tỉnh cộng với cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên khoa vừa thiếu, vừa xuống cấp. Trạm y tế xã, phường chưa có phòng điều trị riêng cho Bệnh nhân Nhi. Việc quá tải ở bệnh viện nhi tuyến tỉnh thường xuyên xảy ra.
Để hạn chế những bất cập kể trên, đồng thời, để các khoản ngân sách hỗ trợ được chuyển trực tiếp cho người thụ hưởng chứ không qua cơ sở KCB, từ ngày 1/10/2009, thẻ KCB cho trẻ dưới 6 tuổi được thay thế bằng thẻ BHYT và được thực hiện theo Luật Bảo hiểm. Theo đó, sẽ thực hiện đổi thẻ cũ bằng thẻ mới cho những trường hợp còn trong độ tuổi thụ hưởng đã cấp thẻ trước mốc 1/10/2009 và cấp mới cho những trường hợp trẻ sinh từ mốc này. Quy trình này được thực hiện như sau: Hàng tháng, theo một mốc thời gian quy định, căn cứ vào số trẻ sinh ra, địa phương lập danh sách chuyển phòng LĐTBXH huyện, phòng LĐTBXH tổng hợp danh sách này, thẩm định trình chủ tịch huyện phê duyệt ( trong đó có những trường hợp bổ sung hoặc cắt giảm) và chuyển sang BHXH huyện để làm thẻ. Sau đó, phòng LĐTBXH tiếp nhận và trả thẻ về các địa phương. Theo luật, trẻ em được KCB ở trạm y tế xã, phường, bệnh viện tương đương tuyến huyện tùy theo nơi đăng kí KCB ban đầu. Riêng trẻ em ở địa bàn T.P Vinh, có đăng kí KCB tại phường, xã nhưng vẫn được KCB trực tiếp tại Bệnh viện Nhi và BV Đa khoa T.P Vinh mà không cần có yêu cầu chuyển tuyến.Vì lí do nào đó, nếu trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì vẫn được BHYT chi trả căn cứ và giấy khai sinh hoặc chứng sinh. Luật Bảo hiểm cũng đã có "mở" hơn cho những trường hợp trẻ bị bệnh trong trường hợp đi công tác cùng bố mẹ tới địa phương khác thì vẫn được BHYT của địa phương chi trả nếu trình giấy công tác của bố mẹ và giấy nhập viện, xuất viện của trẻ...Việc chuyển đổi này nhận được khá nhiều ủng hộ, đồng tình, đặc biệt là ngành Y tế bởi giúp cho các cơ sở y tế công lập bớt đi một gánh nặng về hệ thống quản lý sổ sách, tài chính, thuốc men (trước đây phải có 2 hệ thống quản lý: KCB cho trẻ dưới 6 tuổi và trẻ có BHYT). Các bệnh viện, nhờ thế cũng sẽ quản lý tốt hơn, đặc biệt trong chi trả chế độ nhờ có sự giám định của BHXH.
Thực tế ở tỉnh ta, theo số liệu (BHXH tỉnh), đến thời điểm 30/6/2011, toàn tỉnh có 294.402 thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Theo đánh giá của bác sỹ Nguyễn Xuân Loan- Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh) thì việc thực hiện KCB cho trẻ dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế ở tỉnh ta được thực hiện khá tốt. Trong năm 2010, toàn tỉnh có 555.670 lượt trẻ dưới 6 tuổi khám bệnh ngoại trú, 45.547 lượt bệnh nhi nội trú với tổng số tiền là 70,388 tỷ đồng. Qua khảo sát của cơ quan BHXH ở nhiều vùng miền, kể cả các trạm y tế vùng sâu, vùng xa như: Tri Lễ, Châu Kim ( Quế Phong) cho thấy thuốc BHYT được cấp về đầy đủ. Chất lượng đơn thuốc, chất lượng dịch vụ và kỹ thuật cũng cao hơn hẳn so với các tỉnh lân cận; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được triển khai như phẫu thuật tim, thay chỏm xương đùi... Cơ quan BHXH, Sở Y tế thường xuyên phối hợp tốt để chỉ đạo các cơ sở KCB nâng cao chất lượng cũng như thái độ phục vụ bệnh nhi, mục đích lớn nhất là đảm bảo quyền lợi cho các em và giảm chi phí cho người dân.
(còn nữa)
Thùy Vinh
Nguồn: Báo Nghệ An (21/7/2011)