Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong sáu tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước. Đặc điểm cảm quan của hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu là quả khô nguyên hạt, hạt có màu nâu, màu xám, màu đen, mùi thơm và vị cay nồng. Hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu có đặc điểm hạt to, đường kính hạt từ 3,2 mm - 5,8 mm. Vỏ hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu mỏng, độ dày vỏ hạt từ 92,7 µm - 157,7 µm…
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kinh nghiệm canh tác của người dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, địa hình có độ dốc dưới 8˚ chiếm trên 81% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do vị trí địa lý giáp biển nên khí hậu Bà Rịa - Vũng Tàu ôn hoà, mát mẻ, xen kẽ mưa nắng, trong những ngày mùa khô vẫn có những trận mưa trái mùa. Khu vực địa lý có nền nhiệt độ cùng độ ẩm không khí cao và ổn định, mùa khô không khắc nghiệt, chế độ mưa phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu. Bà Rịa -Vũng Tàu nằm trong khu vực ít bão nên không gây nghiêng, đổ trụ tiêu, ảnh hưởng đến mùa vụ. Chế độ gió của vùng duyên hải ven biển với gió đất - gió biển thổi thường xuyên theo chu kỳ ngày - đêm cộng với nền nhiệt cao đã tác động làm mất nước liên tục, tạo cho sản phẩm hạt tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu có độ săn chắc, vỏ mỏng hơn các vùng khác.
Đất bazan ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đặc tính khác với đất bazan trồng tiêu huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, huyện Cư Kuin và huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông bởi đất bazan của các huyện kể trên ở gần các miệng núi lửa, nham thạch giàu khoáng sét, tầng đất dày. Đất bazan của 4 huyện và thành phố Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì tiềm tàng cao. Tuy nhiên do tầng phong hoá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mỏng hơn so với tầng phong hóa ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông nên năng suất hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu trồng thấp hơn các địa phương trên.
Đặc thù về kỹ thuật canh tác của vùng Bà Rịa - Vũng Tàu là các vườn tiêu sử dụng trụ sống, được che chắn tốt, nên ít bị tác động khi gió lớn. Trong tự nhiên, cây hồ tiêu là loại cây dây leo, leo bám vào thân các cây gỗ khác, chịu bóng dưới tán, cây hồ tiêu đã phát triển thích nghi sinh thái theo hướng ưa ánh sáng tán xạ. Giai đoạn cây tiêu còn non, người dân trồng tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã thiết kế vườn có chế độ che bóng, điều chỉnh chế độ ánh sáng cho vườn tiêu bằng cách cắt tỉa tán lá của cây trụ sống phù hợp với nhu cầu ánh sáng của vườn tiêu ở các tuổi tiêu khác nhau. Bóng rợp cho tiêu sẽ giảm dần từ 60% xuống 40% mức độ che phủ từ khi cây nhỏ đến khi cây lớn.
Khu vực địa lý trồng tiêu đen bao gồm: Xã Kim Long, xã Bàu Chinh, xã Quảng Thành, xã Bình Trung, xã Bình Giã, xã Láng Lớn, xã Xuân Sơn, xã Đá Bạc, xã Bình Ba, xã Sơn Bình, xã Xà Bang, xã Suối Rao, xã Cù Bị, thị trấn Ngãi Giao thuộc huyện Châu Đức; xã Xuyên Mộc, xã Hòa Hiệp, xã Bàu Lâm, xã Hòa Bình, xã Hòa Hội, xã Hòa Hưng, xã Tân Lâm thuộc huyện Xuyên Mộc; xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch thuộc huyện Tân Thành; xã Long Tân thuộc huyện Đất Đỏ; xã Long Phước thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bối Trung