Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những giá trị không thể phủ nhận
Trong khi các nhà nghiên cứu di sản mải miết tranh cãi về nguyên bản với những sai lệch trong quá trình trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không ai phủ nhận 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê – Mạc là một di sản độc đáo, kết tinh của một nền văn hóa lâu đời lấy đạo học làm trọng của Việt Nam. 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng trong thời gian từ 1484 – 1780, do các nghệ nhân, nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời tạo tác, ghi danh những bậc đỗ Tiến sĩ trong mỗi kỳ thi. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo (từ họa tiết cho đến kết cấu). Bởi chúng kết tinh trí tuệ, bàn tay khéo léo của những nhà văn hóa thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam qua các thời kỳ và được làm hoàn toàn bằng thủ công.
Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi Tiến sĩ. Bài văn bia đã thể hiện quan điểm Nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài, tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được thể hiện rõ. Nói như TS Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Giá trị và ý nghĩa của những tấm bia khoa thi Tiến sĩ triều Lê – Mạc (1442 - 1779) đã được đánh giá và khẳng định từ lâu, là di sản văn hóa độc đáo và duy nhất. Mặc dù, hiện nay ở Trung Quốc cũng có việc khắc bia đá các khoa thi Tiến sĩ. Tuy nhiên, bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội khác biệt là trên bia có khắc bài ký. Nội dung bài ký là nguồn tư liệu phong phú về tư tưởng chính trị, các quan điểm của Nhà nước về giáo dục đào tạo và tuyển dụng nhân tài. Bản thân tấm bia cũng là một tác phẩm nghệ thuật sinh động. Bia Tiến sĩ ở Trung Quốc đơn giản chỉ là một tấm đá đề tên các Tiến sĩ”. Và những giá trị của 82 bia đá Tiến sĩ thời Lê - Mạc đã được thế giới công nhận. Vào đầu năm 2010, Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO đã tôn vinh và công nhận 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Giải pháp nào cho bảo tồn?
Những năm gần đây, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm dừng chân đáng quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng theo PGS, TS Lâm Chí Bền: “Một lối ứng xử văn hóa mới không thể chấp nhận được đã được hình thành”. Tầng lớp thanh thiếu niên, cụ thể là các em học sinh, sinh viên trong các kỳ thi đến xoa đầu rùa cầu may. Việc này khiến đầu rùa nhẵn bóng và dẫn tới vấn đề cần phải có giải pháp bảo vệ bia đá và rùa.
Trở ngại của các nhà quản lý về công tác bảo vệ 82 bia đá Tiến sĩ triều Lê – Mạc là mâu thuẫn giữa việc bảo vệ những tấm bia và rùa đội bia với nhu cầu chiêm ngưỡng, hưởng thụ văn hóa di sản của khách tham quan. Và tại cuộc tọa đàm này, nhiều chuyên gia đã đưa hai biện pháp hữu ích. Một số người cho rằng có thể sử dụng kính chịu lực đặc biệt (loại dùng trong công nghệ xây dựng) làm cách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia. Như vậy khách tham quan chỉ đứng ngoài vách kính, nhìn, ngắm, chiêm ngưỡng bia rùa mà không chạm vào. Một luồng ý kiến khác đưa ra giải pháp làm lan can bằng gỗ cao khoảng 1m quây xung quanh bia đá sẽ phù hợp hơn về tổng thể mỹ quan. Giải pháp nào cũng nhận được những ý kiến phân tích những hạn chế và những tích cực.
Để chờ một quyết định cuối cùng về giải pháp bảo vệ từ cơ quan quản lý, cụ thể là UBND TP Hà Nội, các chuyên gia nhận định rằng, mỗi cá nhân nói chung và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng phải coi việc bảo vệ và phát huy giá trị 82 bia đá Tiến sĩ là trách nhiệm phải làm. Điều đó thể hiện hành động thiết thực bảo vệ những giá trị truyền thống của Thủ đô.
Phương Đông