Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
HNP - Để thực hiện một số dự án xây dựng trên địa bàn, ao sen thuộc khuôn viên di tích đình Lệ Mật đã bị lấp, nhiều cây cối lâu năm trong khu vực bảo vệ II bị chặt phá... Đặc biệt, suýt nữa một con đường lớn được làm, khiến di tích bị cắt làm đôi. Tuy nhiên, ao sen đang được đào lại, nhiều hạng mục của đình được tôn tạo trong dự án trùng tu đình Lệ Mật. Đây là trường hợp hiếm hoi, di tích giành "chiến thắng" khi "xung đột" với quá trình đô thị hóa.
Đình Lệ Mật là một di tích quan trọng của thủ đô Hà Nội, gắn với quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long cách đây gần 10 thế kỷ. Ngôi đình thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Phúc Trung. Dưới đời Lý, ông Nguyễn Phúc Trung có công cứu con gái vua Lý khi công chúa du ngoạn trên sông Thiên Đức. Với công lao ấy, nhà vua ban cho ông nhiều của cải, nhưng ông không nhận. Nguyễn Phúc Trung xin với vua cho dân làng Lệ Mật sang khai phá vùng đất phía Tây kinh thành. Lúc bấy giờ, Thăng Long trở thành kinh đô chưa lâu, vùng đất phía Tây còn hoang sơ. Ông Nguyễn Phúc Trung đem dân làng khai phá, lập lên 13 làng trại, gồm các làng: Giảng Võ, Ngọc Hà, Hữu Tiệp... Khu vực này thành các phường thuộc quận Ba Đình ngày nay. Sau khi Nguyễn Phúc Trung qua đời, nhà vua cho phép dân làng Lệ Mật xây ngôi nơi thờ tự. Đình Lệ Mật, vì thế là một trong những di tích cổ nhất của Thăng Long - Hà Nội. Năm 1988, đình Lệ Mật đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, trải gần 1000 năm lịch sử, phong tục đẹp xưa kia vẫn được gìn giữ. Ngày hội Lệ Mật, nhân dân 13 làng trại cũ vẫn về lễ Thánh, để không quên nguồn cội.
Múa Giảo cổ long tại lễ hội đình Lệ Mật |
Vấn đề xâm phạm di tích đình Lệ Mật xảy ra năm 2005. Để phục vụ cho một số dự án xây dựng trên địa bàn, đột nhiên, người dân Lệ Mật thấy có nhiều phương tiện máy móc đến lấp ao sen trước đình. Ao sen thuộc khu vực bảo vệ II của di tích đình Lệ Mật. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mỗi dịp lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng làng Nguyễn Phúc Trung (vào dịp 22 tháng Hai hàng năm). Hàng chục cây lâu năm được nhân dân trồng và chăm sóc quanh ao sen cũng bị chặt phá. Đặc biệt sau đó, người ta cho nhiều phương tiện đến để mở một con đường lớn, cắt ngang di tích đình Lệ Mật. Con đường này nhằm nối quốc lộ 5 với khu đô thị mới Việt Hưng. Phải nhờ nỗ lực của nhân dân gửi đơn thư lên nhiều cấp chính quyền thì con đường mới không được triển khai. Mặc dầu con đường lớn không được xây dựng, tuy nhiên, cảnh quan đình Lệ Mật đã bị phá vỡ tan hoang. Ao sen vốn nhiều cây cao bóng cả, đẹp thơ mộng trở thành bãi thải, nơi để vật liệu xây dựng của một số người thiếu ý thức.
Tình trạng đó kéo dài trong nhiều năm. Nhân dân Lệ Mật không ngừng nghỉ đi kiến nghị lên các cấp. Trước vấn đề đó, khi UBND quận Long Biên trình dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Lệ Mật, UBND TP đã chỉ đạo phải đảm bảo phương án di chuyển các phương tiện giao thông theo tuyến đường bên ngoài để không ảnh hưởng tới di tích đình chùa Lệ Mật khi tu bổ. Theo chỉ đạo này, Dự án tu bổ di tích đình, chùa Lệ Mật đã thiết kế để tuyến đường đi qua khu di tích trở thành tuyến đường nội bộ, toàn bộ các phương tiện tham gia giao thông từ quốc lộ 5 vào khu đô thị mới Việt Hưng sẽ đi theo tuyến đường khác. Đến tháng 7/1011, Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích đình, chùa Lệ Mật chính thức được khởi công.
Người dân Lệ Mật vô cùng phấn khởi khi biết rằng, thực hiện việc tôn tạo, ao sen sẽ được đào lại, tuyến giao thông từ quốc lộ số 5 vào khu đô thị mới Việt Hưng sẽ được làm tránh khu di tích. Tổng diện tích toàn bộ dự án là 41.040 mét vuông, trong đó diện tích xây dựng đình, chùa, sân lễ hội là 30.252 mét vuông và 8.718 mét vuông diện tích đường giao thông. Tổng mức đầu tư dự án từ ngân sách thành phố và quận là 76.375 tỷ đồng. Như vậy, bên cạnh nâng cấp một số hạng mục bị xuống cấp, Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích đình, chùa Lệ Mật còn sửa chữa những sai phạm trước đây, khi thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến, việc tôn tạo di tích đình Lệ Mật sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.
Vấn đề tu bổ, tôn tạo khu di tích đình, chùa Lệ Mật là một trong những trường hợp hiếm hoi mà những xung đột giữa quá trình đô thị hóa và bảo tồn di tích, di tích được trả lại nguyên trạng, mặc dầu đã có những sai sót nhất định. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội rất nhanh, nhiều con đường, nhiều khu đô thị mới mọc lên. Rất nhiều công trình khi xây dựng đã và sẽ ảnh hưởng đến các di tích. Bài toán xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa bao giờ khó giải như hiện nay. Nhưng thực tế từ cụm di tích đình, chùa Lệ Mật cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề bảo tồn, nếu chính quyền thực quyết tâm, nếu sẵn sàng sửa chữa những sai sót. Bởi lẽ, chúng ta có thể dễ dàng xây một con đường, một tòa nhà, nhưng không thể xây một di tích mới. Cho dù có to đẹp hơn di tích cũ, thì cũng không thể thuyết phục được người dân. Vì cái quý nhất ở di tích là giá trị lịch sử, giá trị tâm linh.
Lam Sơn