Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Đờn ca tài tử được biểu diễn trong miệt vườn. |
Truyền bá rộng rãi trong và ngoài nước
Để phục hồi lại không gian văn hóa của Nghệ thuật Đờn ca tài tử thì không thể bỏ qua yếu tố “trang phục” của người chơi Đờn ca tài tử. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đặc điểm dễ nhận thấy ở Nghệ thuật Đờn ca tài tử là tính phóng khoáng, cởi mở. Do đó, dù ở không gian nào, trang phục nào cũng có thể chơi được Đờn ca tài tử. Mỗi không gian, mỗi trang phục có những cách chơi khác nhau, không đòi hỏi sự cầu kỳ; trang phục của Nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng rất phong phú và đa dạng để phù hợp với những lối chơi tâm giao, lối chơi trên sông, lối chơi trong lễ hội, lối chơi trong các gia đình tri thức,…
Tại cuộc họp, để hoàn thiện bộ phim tài liệu Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam (dài khoảng 60 phút), các đại biểu thống nhất tiếp tục thực hiện quay bổ sung các tư liệu sinh hoạt văn hóa Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm phục hồi, phát triển và truyền bá rộng rãi Nghệ thuật Đờn ca tài tử trong và ngoài nước.
Theo đó, các cảnh quay được dự kiến gồm cảnh chơi Đờn ca tài tử trên sông; trong vườn dừa, vườn cây ăn trái; trong quán cà phê vườn quê; trong quán cắt tóc bình dân vắng khách, người thợ chơi đàn kìm hoặc guitar; cảnh chơi Đờn ca tài tử trong đám cưới ở nông thôn; cảnh chơi trên sạp gỗ một gia đình nghèo có các tài tử với những nhạc cụ kìm, cò, tranh và ca sĩ trong trang phục quần áo lao động ngồi trên sạp gỗ chơi đờn ca… Những không gian văn hóa trên gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Nam Bộ, đó cũng là những nét không gian văn hóa giản dị, gần gũi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử cần được phục hồi.
Hòa nhập vào đời sống xã hội
Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức được các Câu lạc bộ Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, bởi chất lượng nghệ thuật, bài bản còn nghèo nàn, các thế hệ trẻ tuổi chưa nắm bắt và cũng chưa mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này.
Do đó, để có được sự đồng thuận về kế hoạch hành động quốc gia cùng các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của Nghệ thuật Đờn ca tài tử, cần có một kế hoạch toàn diện và đồng bộ nhằm đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử hòa nhập sâu rộng hơn vào đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc, việc bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử là trách nhiệm của toàn xã hội, từ chính bản thân các nghệ nhân, những người mộ điệu Đờn ca tài tử đến các tổ chức xã hội và Nhà nước.
Trong đó, hình thức bảo vệ là phục hồi, kiểm kê, truyền dạy, quảng bá, phát triển các hình thức Đờn ca tài tử…
Ngoài ra, cần có những hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Đờn ca tài tử. Duy trì tổ chức các liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia, thành lập Hiệp hội nghệ nhân Đờn ca tài tử trên cơ sở từ các Câu lạc bộ ở những xã, ấp hiện nay; xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện truyền dạy Đờn ca tài tử trong các gia đình, trường học các cấp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục tổ chức điền dã, thu thập tư liệu nghe, nhìn Đờn ca tài tử ở những địa phương chưa thực hiện điền dã sưu tầm. Hoàn thiện cuốn sách về Đờn ca tài tử và Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Đờn ca tài tử để đưa vào xuất bản sớm.
Đặc biệt, cần tổ chức một “Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam” tại TP.HCM nhằm hưởng ứng và cổ vũ cho hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được trình UNESCO để xem xét và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo VH