• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế

(Chinhphu.vn) - Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.

06/12/2022 18:44
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng hội thảo là cơ hội để tỉnh tiếp thu các ý kiến khoa học, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế

Ngày 6/12, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế. Việc tổ chức hội thảo sẽ giúp tỉnh tận dụng các ý kiến khoa học, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế.

Phát biểu đề dẫn, TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ thế kỷ thứ II, khu vực miền Trung hiện nay xuất hiện nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Lâm Ấp - Champa (vùng Bắc Trung Bộ ngày nay). Sự ra đời này được xem như là quá trình hội tụ và phát triển của văn hóa tiền - sơ sử Việt Nam mà trực tiếp là văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung.

Thừa Thiên Huế là không gian một phần lãnh thổ vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV (gần 12 thế kỷ), ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ. Từ năm 1306, vùng đất châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, sự có mặt của người Việt ở vùng đất này đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo, tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại.

Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận, tập trung vào các nội dung: Những dấu ấn văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế, Quan hệ Đại Việt – Champa trong lịch sử; phát huy giá trị hệ thống di tích Champa tại Thừa Thiên Huế.

Các đại biểu đã thảo luận và đưa ra ý kiến về các vấn đề như: Nhìn lại lịch sử vùng nam Châu Hóa qua văn khắc Vân Thê; phác họa một khung khái quát về sự tiếp xúc văn hóa - ngôn ngữ và tộc người đã diễn ra tại vùng Bình - Trị - Thiên từ đầu công nguyên đến thế kỷ XV; Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na (Pô Inư Nagar) tại Huế nhìn từ hệ thống sắc phong làng Hải Cát; quan hệ Việt – Chăm trên đất Thừa Thiên Huế trong lịch sử; Huyền Trân Công chúa - giải mã câu chuyện trở về Đại Việt và dấu tích lưu lại trên đất Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa Champa, một thành tố quan trọng trong bản sắc văn hóa Huế; dấu tích Champa trên một số đình làng ở Thừa Thiên Huế; Triều Nguyễn với di sản văn hóa Champa…

Theo TS. Phan Tiến Dũng, Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Hiện nay, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên Huế đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế, vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.

"Đối với các hiện vật, tình trạng chung là hiện vật Champa đang do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi đưa ra trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan. Do vậy, để bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức quản lý về một đầu mối", TS. Phan Tiến Dũng đề nghị.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh việc thu hồi các hiện vật tại các địa phương, đối với các hiện vật gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng đang được lưu giữ và bảo quản tại các phế tích và các điểm thờ tự, cần có chính sách quản lý và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Hỗ trợ kinh phí để các địa phương trực tiếp thực hiện công tác trùng tu, bảo quản hiện vật tại các địa điểm này, biến những điểm này trở thành các địa chỉ văn hóa, điểm đến phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các địa phương lập phương án bảo vệ các hiện vật, tránh xảy ra tình trạng mất mát hay những xâm hại xảy ra đối với hiện vật Champa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn đề nghị đầu tư kinh phí khai quật ở những di tích thành cổ, kiếm tìm hiện vật, xây dựng lý lịch hiện vật chi tiết; gắn biển chỉ dẫn di tích, từng bước giới thiệu với du khách như là cách thức từng bước làm sống lại hệ thống thành lũy cổ Champa ở Thừa Thiên Huế và Bắc Trung Bộ.

Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong đề xuất tất cả các hiện vật Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nên đưa về một nơi để tiện bảo quản, phát huy giá trị thì Thừa Thiên Huế chắc chắn sẽ có thêm một thiết chế văn hóa là Bảo tàng điêu khắc Chăm mang tính đặc trưng vùng miền. 

PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu thành lập một bảo tàng văn hóa Champa đặt tại thành Hóa Châu cũng như xây dựng hồ sơ thành Hóa Châu là di tích quốc gia.

Nhật Anh