Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiết mục diễn tấu Trống Thái Bình, âm nhạc Cung đình Huế. Ảnh VGP/Thế Phong |
Cách đây 10 năm, UNESCO đã vinh danh Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, trải qua 10 năm với nhiều nỗ lực và cố gắng ở cả trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn, đến nay Nhã nhạc Cung đình Huế đã cơ bản được hồi sinh và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền dạy cho lớp nhạc công trẻ, bà Lý cho rằng truyền dạy Nhã nhạc Cung đình là biện pháp khó nhất trong số các biện pháp bảo vệ di sản. Bởi vì nó liên quan đến nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững. Với định hướng đưa Nhã nhạc vào cuộc sống đương đại, bước đầu đã hình thành được đội ngũ kế tục di sản.
Bà Lý cho biết thêm, mười năm qua, các nghệ nhân lớn tuổi đã giúp các nhạc công trẻ nâng cao nhận thức về di sản, trao truyền cho thế hệ trẻ những ngón nghề và cả kỹ năng biểu diễn. Đây là một trong những hoạt động được UNESCO đánh giá cao trong công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, để giữ được cái đẹp và bảo tồn vốn cổ của Nhã nhạc Cung đình Huế, vẫn còn có những vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Theo GS.TS Trần Văn Khê, về trang phục, các nhạc công cần điều chỉnh cho thật giống ngày xưa. Cách đi ra vào sân khấu, tư thế ngối đàn nên sắp xếp đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhạc khí cũng phải phục dựng lại cho đúng phong cách của nhạc khí dùng trong Nhã nhạc ngày xưa: Đàn tỳ bà phải có 4 tượng bằng ngà hay bằng xương, đàn nguyệt chỉ có 8 phím trúc thay vì 12 phím như cây đàn nguyệt dùng trong chầu văn, đàn nhị phải có ống bằng gỗ, mặt đàn tròn chứ không phải hình bát giác. Đồng thời, khi biểu diễn, phải tập trung để đàn cho có “thần”.
GS.TS Trần Văn Khê, cho rằng ngoài việc bảo tồn còn phải nghĩ đến việc phát triển bằng cách tìm lại những bài bản xưa. Các nghệ nhân khi nắm vững tay nghề có thể sáng tác một vài bản theo phong cách xưa mà diễn tả những tình tiết ngày nay.
Một vấn đề khác là từ 10 năm nay về hình thức, Nhã nhạc Cung đình có nhiều tiến bộ, nhưng việc cho nữ nhạc công vào dàn nhạc phụ họa cho vũ điệu cung đình, cần suy nghĩ lại có nên hay không? Chúng ta có thể căn cứ trên những tư liệu ghi trong thư tịch cổ để dựng lại dàn nữ nhạc công trong cung.
“Tóm lại, chúng ta nên bảo tồn và phát triển vốn cổ mà không làm biến chất vốn cổ của Nhã nhạc Cung đình”, GS.TS Khê nhấn mạnh.