Nguyễn Thị Bảo Thoa (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) vừa được phong danh hiệu Đại sứ môi trường Bayer với ý tưởng tắt máy xe khi dừng đèn đỏ. Vẫn còn những tranh luận về hiệu quả kinh tế của ý tưởng này song một điều có thể khẳng định, tắt máy xe khi dừng đèn đỏ sẽ giảm lượng khí độc hại thải ra môi trường. Bảo vệ môi trường cần bắt đầu từ những thói quen nhỏ.
Hà Nội có nhiều chốt đèn xanh đèn đỏ với thời gian chờ khá lâu 30 giây, 35 giây, 60 giây, 90 giây như Trịnh Hoài Đức - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Cát Linh - Tôn Đức Thắng… Dừng xe ở những chốt giao thông như vậy luôn có cảm giác ngột ngạt khó thở bởi mùi khói xe với nồng độ đậm đặc. Với 33 triệu xe máy đang lưu hành và mức độ gia tăng số lượng xe hàng năm là 15%, khí thải từ xe máy sẽ gia tăng không ngừng. Ý tưởng đến với Thoa từ những lần dừng đèn đỏ như thế.
Một thử nghiệm nhỏ đã được tiến hành ở Khoa Động cơ đốt trong (Đại học Bách khoa Hà Nội), khi xe máy ở chế độ không tải (xe vẫn nổ máy nhưng không vào số), lượng khí CO và HC giảm 30%, tiết kiệm 70% năng lượng. Đối với chế độ tắt máy, lượng khí này không thoát ra. "Đối với chốt đèn đỏ quá 15 giây và không bị ùn tắc, người tham gia giao thông nên tắt máy hoặc để xe ở chế độ không tải giảm tiêu hao năng lượng và hàm lượng khí thải độc hại", Bảo Thoa nói.
Thói quen tắt máy khi dừng đèn đỏ đã bắt đầu hình thành ở một số nhỏ người tham gia giao thông. Với họ, việc làm này có thể thực sự không xuất phát từ vấn đề tiết kiệm xăng mà đơn giản vì khó chịu ngột ngạt khi bị xe trước xả khói và hơi nóng vào người. Họ tắt máy vì không muốn người sau phải khó chịu giống mình.
Theo các chuyên gia của Công ty Ford Việt Nam, lái xe ôtô trong các khu vực đô thị bao giờ cũng tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn khi đi trên đường trường, bởi xe phải thường xuyên đổi số và tăng giảm tốc độ, phanh gấp, dừng đèn đỏ... Tại khu vực đèn đỏ hoặc điểm giao cắt, nên tắt máy khi đồng hồ báo giờ của đèn tín hiệu giao thông còn trên 60 giây. Tính toán cho thấy, nếu xe tắt máy trong khoảng 1 phút thì sẽ tiết kiệm được nhiên liệu để đi được 1km tiếp theo. Việc tắt máy xe cần làm sớm theo các thao tác sau: Dừng xe đúng vị trí - trả số về "mo" - tắt máy - kéo phanh tay. Các thao tác này cần thực hiện thành thạo, trở thành một thói quen.
Trong cuộc sống, có những việc lúc đầu bị coi là xa lạ nhưng nếu mọi người cùng làm, tự dưng lâu ngày sẽ trở thành một thói quen, ai không làm sẽ trở nên kệch cỡm. Có thể minh chứng bằng những việc cụ thể như, trước đây đến các công sở người ta thường bắt gặp hình ảnh những công chức vừa tiếp dân, vừa phì phèo điếu thuốc, nhưng nay hình ảnh đó gần như đã biến mất. Nhiều văn phòng cơ quan hành chính, nơi công cộng không còn treo bảng "cấm hút thuốc lá" nữa, nhưng cũng ít khi thấy ai nhả khói thuốc làm cho người khác khó chịu. Hoặc như chuyện chiếc mũ bảo hiểm, khi mới có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên tất cả các tuyến đường, không ít người cảm thấy rất khó chịu với việc luôn phải kè kè chiếc "nồi cơm điện" trên đầu mỗi khi ra đường. Nhưng nay, nhiều người đã thừa nhận cảm giác bất an khi ngồi trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.
Lĩnh vực môi trường cũng vậy. Chúng ta đã tốn khá nhiều giấy mực, tiền của để tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng đã có nhiều quy định với những chế tài cụ thể để phạt những người có hành vi hủy hoại môi trường. Thế nhưng những chính sách bảo vệ môi trường chỉ thực sự hiệu quả và lâu dài khi hình thành thói quen sống xanh ở mỗi người.
Bảo Châu