• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta

(Chinhphu.vn) - Nước là khởi nguồn của sự sống, mọi biến động về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường và sự sống trên Trái Đất. Vì vậy, nước là tài nguyên quý giá, bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

22/03/2021 15:17
Ảnh minh họa
Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay có chủ đề là “Giá trị của nước”, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước; giá trị của nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước trước các áp lực do gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu về nước sạch và các điều kiện vệ sinh môi trường của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ do bị hạn chế trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch và hạ tầng nguồn nước. Vì vậy, nước có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng. Trong các hộ gia đình, trường học hay nơi làm việc, nước có thể mang ý nghĩa về mặt sức khỏe, vệ sinh và quyết định năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Với thiên nhiên, nước mang ý nghĩa cho sự hòa bình, hòa hợp và bảo tồn, phát triển.

Hiện nay, tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, nhu cầu càng ngày càng lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Do đó, nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên nước sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Để hưởng ứng Ngày Nước thế giới, hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện quan trọng này trên phạm vi toàn quốc, qua đó tạo phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành tài nguyên và môi trường tổ chức các hoạt động thực tiễn cụ thể ở quy mô ít người, vừa đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa cao.

Thông qua thông điệp, chủ đề Ngày nước thế giới năm nay, ngành tài nguyên và môi trường mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận thức được sự quan trọng của tài nguyên nước đối với mỗi gia đình, sinh kế, tập quán văn hóa, quyết định hạnh phúc và môi trường sống của con người. Bằng các giá trị của nước đem lại, đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước hiệu quả.

Bảo đảm người dân tiếp cận được nguồn nước an toàn trong mọi điều kiện

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, bà Nguyễn Thị Thu Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tính đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Trong đó, tập trung vào 8 giải pháp sau: Một là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Hai là, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể  điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước.

Ba là, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,…nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Bốn là, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Năm là, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Sáu là, tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Tám là, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.

Chú trọng bảo đảm nguồn nước cho ĐBSCL

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Linh, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã triển khai các nhiệm vụ điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và tìm kiếm các nguồn tài nguyên nước dưới đất tại các vùng khan hiếm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, để sẵn sàng cho các phương án cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, đã triển khai thực hiện điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 39 vùng thuộc 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh. Kết quả điều tra, tìm kiếm đã đánh giá được, như sau: Tiềm năng tài nguyên nước dưới đất tại 39 vùng khoảng 704.708 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác 91.521 m3/ngày. Nguồn nước có chất lượng tốt bảo đảm đủ điều kiện cấp cho ăn uống sinh hoạt; lưu lượng có khả năng khai thác tại 47 công trình giếng khoan hiện có đạt khoảng 33.828 m3/ngày, có thể xây dựng thành 39 điểm cấp nước cho nhân dân và cấp được cho 338.280 người dân. Kết quả điều tra nguồn nước dưới đất tiếp tục được chuyển giao cho các địa phương để chủ động phương án giải quyết nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ đề án và Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 kiện toàn Ủy ban sông Mekong Việt Nam đảm nhiệm cả chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban lưu vực sông Cửu Long theo quy định, nhằm triển khai một cơ chế có sự tham gia của các bên liên quan trong điều phối thống nhất các hoạt động liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất để giải quyết có hiệu quả các vấn đề chung về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên phạm vi lưu vực sông Mekong cả thượng nguồn và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thúc đẩy thực thi có hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 giữa các quốc gia hạ nguồn gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam và các hoạt động hợp tác về nguồn nước trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương nhằm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc chia sẻ thông tin số liệu, đặc biệt gần đây, Trung Quốc đã đồng ý cấp số liệu mùa cạn cho các quốc gia hạ nguồn.

Đối với hệ thống văn bản nhằm thực thi Luật Tài nguyên nước, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh việc kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông…

Cho ý kiến về các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu, bà Nguyễn Thị Thu Linh cho hay, trước tiên, quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính là nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng và triển khai thực thi Luật Tài nguyên nước.

Trong bối cảnh tác động kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác nước ở thượng nguồn dẫn đến sự biến đổi sâu sắc đến tài nguyên nước vốn có của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là nhiều vùng, nhiều năm không có lũ hoặc có lũ nhưng không đáng kể; thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập sâu, với diện tích rộng hơn, khó kiểm soát hơn và kéo dài hơn; suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái và gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển; tác động lớn đến các hoạt động sản xuất diễn ra trên đồng bằng. Như vậy, để đẩy mạnh công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước không chỉ cần các giải pháp trong nước mà cần phải giải quyết trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mekong.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo lũ và hạn; đặc biệt, ngay sau khi kết thúc mùa mưa cần tiến hành đánh giá tình hình nguồn nước trong các hồ đập ở thượng nguồn, dự báo tình hình khí tượng nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho các ngành và địa phương trong việc lập kế hoạch sử dụng nước và đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp cho mùa khô năm tới; tăng cường mạng quan trắc phục vụ dự báo mặn, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất của các địa phương.

Tập trung xây dựng để sớm trình phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong; tích hợp quy hoạch tài nguyên nước vào quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long và làm căn cứ để các ngành sử dụng nước lập hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành nhằm cân đối nhu cầu sử dụng nước, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn, bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.

Cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu bảo đảm độ tin cậy để làm cơ sở cho các bộ, ngành địa phương lập quy hoạch phù hợp với các kịch bản diễn biến tài nguyên nước trong tương lai. Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật sẽ được công bố trong năm 2021.

Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ tầng nước ngầm tránh khỏi tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm và giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất do khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp trữ nước hiệu quả cho các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp dự phòng nguồn nước trong những điều kiện hạn hán cực đoan, bảo đảm người dân tiếp cận được nguồn nước an toàn trong mọi điều kiện thiên tai.

Một số khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2021:

- Nước là tài nguyên thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe, sinh kế, môi trường, các giá tri văn hoá và phát triển kinh tế bền vững.

- Nước là tài nguyên quý giá! Hãy sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

- Bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

- Hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người.

- Nước là tài nguyên hữu hạn và thiết yếu, sử dụng nước tuần hoàn vì một tương lai bền vững.

Thùy Chi