Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong năm 2021, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này tiếp nhận và xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hơn 28,5 tỷ đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường - đơn vị đi đầu trong việc ngăn, chặn hàng giả, hàng nhái thuộc Bộ Công Thương - cho biết: Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến 95% các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hầu như chỉ xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính mà không xử lý hình sự. Tuy nhiên, hiện nay một số vụ việc lớn đã được hình sự hoá để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chính đáng.
Gần đây nhất, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra xét xử vụ án hình sự liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là vụ án đầu tiên có bị cáo là pháp nhân thương mại, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thương hiệu nổi tiếng.
Đó là vụ án xét xử bị can Lê Đình Trung (56 tuổi, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân là Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM).
Cả 2 đối tượng cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ luật Hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu "BIA SAIGON" và "BIA SAIGON, hình con rồng" đang được bảo hộ và đủ điều kiện coi là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO.
Bia Sài Gòn vốn là một thương hiệu lớn và nổi tiếng ở Việt Nam với lịch sử 148 năm chinh phục thị trường với nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng. Biểu tượng nhãn màu xanh với hình ảnh con rồng bay lên đã khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam. Nhãn hiệu cũng đã được đăng ký sở hữu bởi Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO) với thị phần trên 40% thị trường Việt Nam.
Ông Lê Đình Trung, vốn là nhân viên của SABECO, sau khi nghỉ việc tại SABECO, tháng 5/2019, đã thành lập Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Tháng 7/2019, Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu kết hợp hình và chữ: "BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng hình con rồng" lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Tuy chưa nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, ông Trung đã sử dụng nhãn hiệu này để ký hợp đồng với cơ sở sản xuất bia Biva để sản xuất bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM".
Ngày 23/6/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" tại cơ sở sản xuất bia Biva nên tạm giữ số tang vật và chuyển cơ quan công an thụ lý vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO. Tổng trị giá số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON là hơn 1 tỷ 250 triệu đồng.
Sau thời gian xét xử sơ thẩm, ngày 16/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và người đại diện số tiền trị giá 3,7 tỷ đồng với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, xâm phạm nhãn hiệu BIA SAIGON.
Có thể thấy, nếu sự việc trên không bị phát hiện và xử lý, sẽ có hàng chục nghìn thùng bia nhái được đưa ra thị trường. Bởi nếu chỉ nhìn hình ảnh 2 sản phẩm này, người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp về lợi nhuận mà người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng vì mất quyền lợi sử dụng hàng chính hãng. Nguy hiểm hơn là có thể sử dụng phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bản án đã có hiệu lực, tuy nhiên, đại diện SABECO cho biết: Thời gian gần đây, những sản phẩm giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON đã xuất hiện trở lại tại tỉnh Bình Dương và Bình Định.
"Việc giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON có thể khiến khách hàng nhầm lẫn hoặc không thể phân biệt được đâu là sản phẩm chính hãng, dẫn đến việc khách hàng mất lòng tin khi sử dụng sản phẩm", đại diện SABECO chia sẻ.
Doanh nghiệp này kiến nghị: Để tạo ra môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu thương hiệu, các cơ quan chức năng cần có các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp, nhất là những trường hợp cố tình giả mạo.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vụ việc những lon bia "nhái" mang tên Bia Sài Gòn Việt Nam xuất hiện trở lại sau bản án hồi tháng 3, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện, Tổng cục Quản lý thị trường chưa nhận được đơn, thư, hình ảnh khiếu nại nào của SABECO liên quan đến vụ việc.
"Doanh nghiệp cần khẩn trương gửi thông tin cũng như hình ảnh liên quan đến vụ việc bia nhái đến Cục Quản lý thị trường địa phương hoặc gửi trực tiếp đến Tổng cục Quản lý thị trường để chúng tôi vào cuộc. Không chỉ vì bảo vệ cho quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp mà đây còn là mặt hàng trọng điểm, sức mua của người dân khá cao nên nếu người dân tiếp tục mua bia nhái có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ", ông Trần Hữu Linh nói.
Chia sẻ thêm, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết: "Đối tượng làm hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi, họ nghiên cứu pháp luật rất kỹ để tìm kẽ hở luồn lách. Rất nhiều sản phẩm hàng giả giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đấy, để xử lý những tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng chức năng còn bị các đối tượng kiện ngược lại".
Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp, người tiêu dùng, kể cả các chủ thể quyền của các nhãn hiệu, không phối hợp với các lực lượng chức năng vì vẫn có tâm lý sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, mặc dù chế tài xử phạt hiện đã tương đối đầy đủ nhưng còn chưa đủ sức răn đe, khiến những đối tượng sản xuất, bán hàng giả, hàng nhái phải chùn bước, đặc biệt là việc xử lý hình sự.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Phan Trang