Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo bà Minh, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta những năm gần đây có diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.
Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế…
Quản lý phòng, chống bạo lực trẻ em còn yếu kém
Theo bà Ngô Thị Minh, công tác quản lý nhà nước và việc bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng ở các địa phương còn nhiều bất cập, đặc biệt ở cấp xã phường, thôn bản. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và một số bộ, ngành hữu quan tuy đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả. Đến nay, theo quy định của Luật trẻ em 2016, Chính phủ vừa mới thành lập được Ủy ban Quốc gia về trẻ em và họp phiên đầu tiên vào ngày 6/12. Như vậy, cơ chế điều phối liên ngành để phối hợp hoạt động và chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành Trung ương và giữa các sở, ngành, phòng ban ở địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em mới chính thức được khai thông và vận hành theo luật định kể từ khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em năm 2007 đến nay, đặc biệt ở cấp xã phường, thôn bản.
Tình trạng thiếu cán bộ, thiếu cơ chế phối hợp hoạt động và cơ chế nắm bắt thông tin toàn diện chưa được chính quyền các địa phương khắc phục, gây khó khăn cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng. Chưa có cơ chế phối hợp hành động giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em ở các địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của các hành vi bạo lực, xâm hại trước, trong và sau quá trình tố tụng. Việc thiết lập tổng đài quốc gia về trẻ em với số "111" vào ngày 6/12 vừa qua và đã thông tuyến, thể hiện sự cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực này cũng còn nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn chưa có hệ thống thu thập, cập nhật và quản lý thông tin về trẻ em thống nhất trong toàn quốc, chưa có một bộ chỉ số chuẩn mực về bảo vệ trẻ em và cơ sở dữ liệu chung để theo dõi tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc thiếu mạng lưới cộng tác viên thôn bản và cán bộ cấp xã, phường làm công tác trẻ em như trước đây đã khiến công tác thu thập thông tin về trẻ em bị đứt đoạn ở nhiều địa phương...
Đây là những hạn chế lớn, ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch bảo vệ trẻ em và tổng hợp số liệu để đánh giá kết quả, làm cơ sở đưa ra các giải pháp hữu hiệu phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Luật trẻ em năm 2016 vừa có hiệu lực vào ngày mồng 1/6/2017 đã chỉ ra trách nhiệm nặng nề của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, quy định tại điều 53 với 6 khoản khá chi tiết.
Điều 53. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã
1. Đánh giá nguy cơ và xác định các nhu cầu của trẻ em cần được bảo vệ. 2. Tham gia quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. 3. Tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý và các nguồn trợ giúp khác. 4. Tư vấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình, cộng đồng. 5. Kiến nghị biện pháp chăm sóc thay thế và theo dõi quá trình thực hiện. 6. Hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định tại Điều 72 của Luật này. Tại điều 72 quy định riêng về trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em với 5 khoản cụ thể. |
Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng sống và kiến thức pháp luật để trẻ em biết tự bảo vệ mình, biết ứng phó các tình huống thường gặp trong cuộc sống và việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, trong đó có kỹ năng bảo vệ và nuôi dạy con cái, chưa được các cơ quan chức năng coi trọng trong một thời gian dài nên công tác giáo dục chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số dịch vụ như mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; trung tâm công tác xã hội trẻ em, đường dây nóng, phòng tư vấn tâm lý... mới chỉ là mô hình thí điểm, theo bà Ngô Thị Minh cần có cơ chế và nguồn lực để nhân rộng.
Bà Minh nhấn mạnh rằng thực tế việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ. Nhiều địa phương chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn việc để trẻ em rơi vào tình trạng bị tổn thương, bị bạo lực, xâm hại. Phần nhiều các địa phương mới chú ý đến việc giải quyết hậu quả, xử lý tình huống khi có vụ việc xảy ra. Việc quản lý, nắm bắt số trẻ em di cư theo gia đình, trẻ em lao động sớm có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại chưa được các ngành hữu quan đề xuất biện pháp giải quyết trước mắt cũng như lâu dài.
Còn nhiều bất cập trong chỉ đạo và thực hiện
Tuy gia đình là môi trường bảo vệ trẻ em đầu tiên, hiệu quả và bền vững nhất nhưng từ khi giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đến nay, việc giao chức năng quản lý Nhà nước về gia đình và trẻ em cho hai Bộ khác nhau quản lý không kèm theo các giải pháp hữu hiệu và khả thi nên các hoạt động trong hai lĩnh vực gia đình và trẻ em không được tiến hành đồng bộ trong một kế hoạch tổng thể, nên chưa phát huy được hiệu quả theo mong muốn.
Bên cạnh đó, Chính phủ chưa ban hành các quy định về cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý Nhà nước của hai lĩnh vực này, làm nảy sinh nhiều bất cập trong chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhiều địa phương.
Bà Minh khẳng định, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm. Hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nhiều nơi làm chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe.
Về phía gia đình, còn nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Nhiều trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình những em này bị tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại, đã cố ý che dấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Kiến nghị Quốc hội vá các cơ quan hữu quan
Đối với Quốc hội, bà Minh mong muốn, Quốc hội sớm thiết lập cơ chế phối hợp liên Ủy ban, liên cơ quan của Quốc hội để thực hiện tốt trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát và xây dựng pháp luật liên quan đến trẻ em để bảo vệ quyền trẻ em theo luật định. Hằng năm, Quốc hội cần quan tâm và dành tỷ lệ kinh phí thỏa đáng hơn khi phân bổ ngân sách cho công tác bảo vệ quyền trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực xâm hại nói riêng.
Đối với Chính phủ, bà Minh mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bà Minh nhấn mạnh, Chính phủ cần thấy rõ tầm quan trọng của những người làm nghề công tác xã hội và mong Chính phủ chỉ đạo để sớm xây dựng Luật về nghề công tác xã hội và đưa luật này vào chương trình xây dựng Luật năm 2019 nhằm có chính sách đào tạo, thu hút, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên xã hội làm công tác quan trọng này, trong đó có số đông làm nghề chăm sóc, bảo vệ, nuôi dạy trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trong các gia đình và gia đình thay thế và tại các địa bàn dân cư...
Đồng thời, bà Minh mong Chính phủ đầu tư, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng theo luật định. Có cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc thay thế trẻ em tại cộng đồng để hạn chế việc đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc tập trung. Phát triển, nhân rộng các mô hình dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Ví dụ như tổ chức các phòng lấy lời khai thân thiện với trẻ em, trung tâm trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em, điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại trường học và cộng đồng.
Cuối cùng, theo bà Ngô Thị Minh, Chính phủ cần chỉ đạo đưa nội dung bảo vệ trẻ em vào chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo luật, đào tạo ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp, lao động xã hội, nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực một cách hiệu quả.
Phương Liên