Lá phổi xanh giữa Đông Nam Bộ
Trước khi đóng cửa, rừng Đồng Nai chủ yếu là rừng nghèo, rừng 1A, 1B. Hiệu quả lớn nhất sau 15 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng là chất lượng rừng ở Đồng Nai ngày càng được nâng lên. Trong đó, nhiều khu rừng nghèo kiệt, rừng 1A, 1B được bảo vệ, phát triển thành rừng tự nhiên với thảm thực vật ngày càng phong phú, là ngôi nhà chung để bảo tồn các động vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Đồng Nai Tô Thành Buông cho biết: Bên cạnh việc phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng được tỉnh triển khai quyết liệt, rộng khắp tại các đơn vị có rừng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 650 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, trong đó đã xử lý hình sự sáu vụ.
Đồng Nai có những cánh rừng nhiệt đới xanh tươi bốn mùa, mênh mông, trù phú và thơ mộng. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 48%, rừng phòng hộ 27,7% và rừng sản xuất 24,3%. Với diện tích gần 194 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 110 nghìn ha và được mệnh danh là lá phổi khổng lồ cho cả khu vực phía nam, có thảm thực vật phong phú, cư ngụ nhiều loại thực vật đặc trưng cho rừng nhiệt đới, là nơi bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm có nguy cơ diệt chủng được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Đồng Nai còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi theo các chuyên gia, nếu một ha rừng tạo được 16 tấn ô-xy mỗi năm, thì với diện tích nói trên, rừng Đồng Nai tạo được khoảng 3,2 triệu tấn ô-xy một năm. Điều này cho thấy, rừng Đồng Nai vừa như một nhà máy khổng lồ thanh lọc không khí cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, vừa là nơi giữ nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn mười triệu dân và cung cấp nguồn nước cho phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.
Hướng đến nền kinh tế xanh
Những năm gần đây, trong khi rừng của các tỉnh chung quanh ngày càng bị thu hẹp thì Đồng Nai đã và đang chú trọng đầu tư có trọng điểm cho nền kinh tế xanh để phát triển bền vững. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất để phát triển rừng là tỉnh đã thành lập Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai vào đầu năm 2004 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Lâm trường Mã Đà, Lâm trường Hiếu Liêm, Lâm trường Vĩnh An, Ban quản lý Di tích lịch sử Chiến khu D, với mục tiêu khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên; bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã; phục vụ bảo tồn thiên nhiên gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích và phát triển du lịch sinh thái.
Giám đốc KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi cho biết: Khu Bảo tồn nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới đã được xác định là sinh cảnh ưu tiên bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam với hơn 100 nghìn ha rừng và diện tích mặt nước. Giám đốc Trần Văn Mùi cũng cho biết thêm, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng của tỉnh, từ năm 1997 đến nay, các khu rừng của KBT đã và đang dần phục hồi. Thời gian gần đây, một số loài thú quý hiếm đã được phát hiện và có xu hướng phát triển như: bò tót, gấu, các loài linh trưởng, voi châu Á... Tài nguyên rừng của KBT còn rất phong phú và đa dạng. Về thực vật, đã phát hiện và định dạng được 1.401 loài, trong đó có 10 loài nằm trong danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm; 28 loài có tên trong Sách đỏ thực vật Việt Nam và 79 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam. Về động vật, bước đầu điều tra và định danh được 1.729 loài, trong đó có 58 loài nằm trong danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm; 73 loài có tên trong Sách đỏ động vật Việt Nam và 44 loài trong danh sách thế giới.
Chính bởi sự đa dạng sinh học của rừng Đồng Nai, Hội nghị Đại hội đồng mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới tại CHLB Đức vừa diễn ra đã thông qua 17 khu DTSQ mới, công nhận nâng cấp và đổi tên khu DTSQ Nam Cát Tiên thành khu DTSQ Đồng Nai. Khu DTSQ Đồng Nai bao gồm ba vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và hồ Trị An, có tổng diện tích chung hơn 969 nghìn ha, trong đó vùng lõi hơn 172 nghìn ha; vùng đệm gần 347 nghìn ha và vùng chuyển tiếp là 450 nghìn 714 ha. Qua đây, khẳng định thành quả bước đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai trong nỗ lực bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong một thời gian dài đầy khó khăn suốt 15 năm qua. Đây còn là cơ sở quan trọng, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, không những cho Đồng Nai mà cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
Để cụ thể hóa chủ trương bảo tồn đa dạng sinh học đa mục tiêu, hiện nay, KBT đang thực hiện dự án trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa rừng Chiến khu D. Dự án này được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2015. Theo đó, KBT sẽ trồng thay thế toàn bộ diện tích cây trồng có nguồn gốc ngoại lai để thực hiện chủ trương khôi phục và làm giàu rừng trên diện tích hơn ba nghìn ha với tổng mức vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đồng Nai Tô Thành Buông, từ nay đến năm 2015, ngoài các biện pháp đẩy mạnh bảo vệ rừng, đến năm 2015, tỉnh sẽ trồng mới 4.355 ha rừng và đến năm 2020, trồng thêm 4.785 ha rừng.
Theo Nhân dân