• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bất cập BOT giao thông: Sẽ điều chỉnh giá và minh bạch thu phí

(Chinhphu.vn) – Thừa nhận những bất cập trong quá trình thực hiện hàng loạt dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần chỉ rõ nguyên nhân để tìm ra hướng giải quyết trong thời gian tới.

01/09/2017 12:35

Lỗ hổng chính sách

Cụ thể, theo Thứ trưởng, một trong những vấn đề cốt lõi là quy định về hình thức đối tác công tư mới dừng lại mức Nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư, các cơ quan soạn thảo chủ yếu tiếp cận trên quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân mà chưa chú ý nhiều đến đầu tư theo hình thức đối tác công-tư nên các quy định còn bất cập.

Làm rõ hơn việc này, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng-Phó Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (Ban PPP), Bộ Giao thông vận tải, cho biết, về tiến độ đóng vốn chủ sở hữu giai đoạn trước được điều chỉnh bởi cả Luật Doanh nghiệp và Nghị định 15/2015/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP). Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tiến độ đóng vốn chủ sở hữu là 90 ngày từ ngày đăng ký kinh doanh còn theo Nghị định 15 là đóng vốn chủ sở hữu theo tiến độ hợp đồng.

Bộ GTVT thực hiện theo Nghị định 15 vì đặc điểm của vốn chủ sở hữu dự án là chỉ dùng cho đầu tư dự án, không phải như các doanh nghiệp khác là được phép kinh doanh các ngành nghề khác mà pháp luật không cấm. Trong khi đó, nếu thực hiện theo Luật Doanh nghiệp là đóng toàn bộ vốn chủ sở hữu sau 90 ngày thì số tiền rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chưa được sử dụng ngay, dẫn đến lãng phí. Thậm chí, có dự án thời gian giải phóng mặt bằng lên tới hàng năm trời nên toàn bộ số vốn này nằm yên. Như vậy, các dự án làm theo Nghị định 15 thì khi đối chiếu với Luật Doanh nghiệp lại là sai.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu - nội dung được nhấn mạnh rõ trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT giao thông ngày 18/8 vừa qua - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận: “Do hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với nhà đầu tư chưa thật đầy đủ nên chúng ta vẫn vận dụng hình thức chỉ định thầu, qua các Quyết định của các cấp có thẩm quyền”.

TS. Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhận định, làm BOT khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng, vì muốn nhanh mà tạo ra kẽ hở “chỉ định thầu” khiến hình thành cơ chế xin-cho; dẫn đến hệ lụy như vừa qua.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước tiên cần xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT vì đây là những dự án giao thông, đầu tư theo cách nào, cần những điều kiện nào để đầu tư hiệu quả, minh bạch, Bộ GTVT phải có đề xuất, tham mưu để Chính phủ giao các cơ quan chuyên trách hỗ trợ, thực hiện.

Điều chỉnh bất cập về giá và minh bạch thu phí

Trả lời Báo điện tử Chính phủ về tình trạng “chỉ định thầu”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả dự án BOT giai đoạn 2011-2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định tại Điều 14 Nghị định 108/2009 của Chính phủ (dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký).

“Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư là một hạn chế và đã được khắc phục ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP”, Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, trong công tác đàm phán hợp đồng dự án với nhà đầu tư luôn có sự tham gia của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và địa phương trong nhóm công tác liên ngành. Trên cơ sở hợp đồng dự án ký tắt (nay là thỏa thuận đầu tư), Bộ KH&ĐT tiếp tục tiến hành thẩm định, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và địa phương thêm một lần nữa trong quá trình nhà đầu tư xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Mức phí của các dự án đã được dự kiến trong báo cáo nghiên cứu khả thi và phương án tài chính, tuy nhiên trước khi thu phí, nhà đầu tư phải trình Bộ Tài chính để ban hành thông tư quy định mức thu phí đối với dự án”, Thứ trưởng nói.

Đối với bất cập của các trạm thu giá (trước đây là thu phí), thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn bảo đảm khả thi phương án tài chính của các dự án.

Theo đó, đối với xe loại 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt. Kết quả, đến nay, đã có 35 dự án thực hiện giảm giá vé, còn lại 27 dự án không cần giảm do giá thấp hơn mức bình quân và 11 dự án chưa giảm giá vé do lưu lượng thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai thu giá dịch vụ các dự án BOT, hình thức thu phí lượt trên các tuyến quốc lộ còn tồn tại hạn chế do chưa bảo đảm tuyệt đối công bằng đối với người dân. Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Bộ GTVT đã xử lý những bất cập về giá sử dụng đường bộ tại 7 trạm gồm: Trạm QL6 Xuân Mai-Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km 1064, QL1 (Quảng Ngãi).

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát tất cả các trạm, kể cả những trạm người dân chưa phản đối để có chính sách miễn, giảm giá thống nhất, bảo đảm tính công bằng tương đối trong việc thu giá dịch vụ đường bộ đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu giá trên toàn quốc.

Đồng thời, để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị-xã hội giám sát, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP (thông tin về dự án, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, mức phí, thời gian thu phí…).

Bên cạnh đó, để minh bạch việc thu phí, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt Tổng cục Đường bộ đàm phán với các nhà đầu tư để hoàn thành việc lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng đối với 28 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư; chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng; cơ chế tài chính của dự án PPP.

Phan Trang