Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 6/6, các thí sinh học quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Hà Nội Mới |
Theo kế hoạch, ngày 6/6, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
Sáng 7/6, thí sinh thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút, bắt đầu từ 8h. Buổi chiều 7/6, thí sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút, bắt đầu từ 14h30.
Thí sinh dự thi vào các trường chuyên sẽ thi trong 2 ngày 8-9/6. Trong đó, sáng 8/6, thi môn Ngoại ngữ điều kiện, thời gian làm bài 120 phút. Chiều 8/6, thi các môn chuyên: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, thời gian làm bài 150 phút; môn tiếng Pháp, tiếng Nhật thời gian làm bài 120 phút.
Sáng 9/6, thí sinh thi môn Vật lý, Lịch sử, Địa lý, thời gian làm bài 150 phút; môn Hóa học, tiếng Anh, thời gian làm bài 120 phút.
Ngày 10/6, một số trường tổ chức tuyển sinh chương trình song bằng tú tài. Sáng 10/6, thí sinh thi môn Toán bằng tiếng Anh và Vật lý bằng tiếng Anh, thời gian làm bài mỗi môn 60 phút. Chiều 10/6, thí sinh thi môn tiếng Anh và Hóa học bằng tiếng Anh, thời gian làm bài mỗi môn 60 phút.
Ngày 18/6, thí sinh thi phần phỏng vấn.
Năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đưa ra 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập, đó là tuyển thẳng, xét tuyển và thi tuyển.
Thí sinh phải thi 3 bài thi: Toán (tự luận), Ngữ văn (tự luận) và bài thi tổ hợp.
Bài thi tổ hợp gồm kiến thức 3 bộ môn: Tiếng Anh, Sinh học, Lịch sử. Trong đó, kiến thức 2 môn Sinh học, Lịch sử chỉ thuộc chương trình lớp 9 trung học cơ sở. Đề thi môn tổ hợp gồm 50 câu hỏi, trong đó có 20 câu hỏi môn tiếng Anh, 15 câu hỏi môn Sinh học và 15 câu hỏi môn Lịch sử.
Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày (8 và 9/6).
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tỉnh Thái Bình năm nay có 21.301 thí sinh đăng ký dự thi.
Với số lượng thí sinh tăng, dự báo năm nay tỉ lệ chọi ở một số trường THPT sẽ cao, cao nhất là Trường THPT Lê Quý Đôn có 1.114 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 228 thí sinh so với năm trước nâng tỉ lệ chọi lên 1,76 (630/1.114). Một số trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông như: Trường THPT Bắc Đông Quan, Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THPT Tây Thụy Anh…
Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ được tổ chức tại 29 hội đồng thi với 770 phòng thi vào ngày 8/6.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Tĩnh diễn ra trong 2 ngày 6-7/6. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí 34 hội đồng thi (có 1 Hội đồng dành cho thí sinh thi vào trường chuyên) với hơn 700 phòng thi.
Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã bố trí gần 2.000 cán bộ làm nhiệm vụ coi thi, phục vụ kỳ thi.
Theo kế hoạch, ngày 6/6, các thí sinh thi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các môn chuyên sẽ thi vào ngày 7/6 với thời gian làm bài 150 phút.
Năm nay Hà Tĩnh có 17.388 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập, trong đó, gần 1.000 thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Sáng 6/6, tại Nghệ An, hơn 33.000 học sinh bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Kỳ thi này, các em học sinh Nghệ An phải làm 3 bài thi. Theo đó, ngày 6/6 thi môn Ngữ văn (120 phút) và bài thi tổ hợp (90 phút). Sáng 7/6 các em thi môn Toán. Đây là kỳ thi đầu tiên Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm khách quan.
Tại Hải Phòng, năm học này có khoảng 21.000 thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập.
Ngày 5/6, các thí sinh thi môn Ngữ văn và bài thi môn tổ hợp (bài thi môn tổ hợp gồm 25 câu trắc nghiệm môn Vật lí và 25 câu trắc nghiệm môn ngoại ngữ).
Ngày 6/6, thí sinh tiếp tục thi môn Toán.
Năm học 2018-2019, Hải Phòng có 382 lớp 10 công lập với chỉ tiêu tuyển sinh là 17.008 học sinh; có 126 lớp 10 ngoài công lập với chỉ tiêu tuyển sinh là 5.669 học sinh.
Năm nay Hải Phòng tiếp tục duy trì hình thức liên tục cập nhật công bố hồ sơ dự thi vào các trường trung học phổ thông qua website http://haiphong.edu.vn để thí sinh và phụ huynh chủ động biết số lượng học sinh đăng ký dự thi vào các trường, từ đó có sự chọn trường phù hợp, tránh dự thi vào các trường có tỉ lệ thí sinh dự thi quá cao.
Năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của tỉnh Yên Bái là trên 7.200 học sinh trong khi con số đăng ký dự thi là trên 8.500 thí sinh.
So với năm 2017, số lượng dự tuyển tăng trên 1.000 thí sinh. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải có sự cạnh tranh, trong đó, những trường có tỉ lệ "chọi” cao như: THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Huệ, THPT Thác Bà, THPT Cảm Ân, THPT Lý Thường Kiệt...
Tại TPHCM, năm học 2018-2019 có tới 87.000 học sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Tuy nhiên, số chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là hơn 65.000 học sinh. Như vậy, dự kiến sẽ có khoảng 22.000 thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, với hệ thống trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, trường nghề... Thành phố vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả học sinh nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập.
Dự kiến, ngày 7/6, sẽ công bố đáp án các môn thi. Đến ngày 13/6, Sở sẽ công bố kết quả thi. Mọi thí sinh nếu có nhu cầu đều có thể phúc khảo bài thi trong thời gian từ 13-15/6.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018-2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6 với 3 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán.
Các em học sinh lưu ý: Nếu đến chậm 15 phút sau hiệu lệnh tính giờ làm bài, các em sẽ không được vào phòng thi.
Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi.
Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa) trong bài thi; chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ)…
Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện trên mạng xã hội đang lưu truyền công văn của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký gửi các Sở GD&ĐT, các trường trung học cơ sở về việc giảm tải nội dung ra đề môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019. Nội dung công văn giả mạo nêu yêu cầu các Sở GD&ĐT, trường trung học cơ sở giảm tải các tác phẩm: "Bến Quê" (Nguyễn Minh Châu); "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" (Nguyễn Đình Chiểu); "Bếp lửa" (Bằng Việt); "Nói với con" (Y Phương); "Làng" (Kim Lân). Công văn giả mạo cũng yêu cầu học sinh cần ôn tập trọng tâm các tác phẩm: "Sang Thu" (Hữu Thỉnh); "Viếng Lăng Bác" (Viễn Phương); "Ánh trăng" (Nguyễn Duy); "Lặng lẽ Sapa" (Nguyễn Thành Long); "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng)". Bộ GD&ĐT khẳng định đây là công văn giả mạo. Thông tư số 11/2014/TTBGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư 11 đã nêu rõ: Trách nhiệm xây dựng phương án tuyển sinh, bao gồm môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi... là của Sở GD&ĐT và trình UBND cấp tỉnh chỉ đạo. Như vậy, công tác tuyển sinh đầu cấp đã được phân cấp cho các Sở GD&ĐT. Bộ GD&ĐT không ra công văn chỉ đạo về nội dung này. Hiện Bộ GD&ĐT đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ tác giả, động cơ của người soạn, phổ biến công văn giả mạo này./. |