Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm tháng không quên
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm thương binh Kiều Văn Hồ, hiện đang sinh sống tại thôn Yên Mỹ, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và được nghe ông kể về một thời cùng đồng đội "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và cuộc sống của người lính trong thời bình.
Ông Kiều Văn Hồ nhập ngũ ngày 28/4/1967, được phân về Đại đội 12 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 huấn luyện. Đến tháng 10/1967, ông nhận lệnh "đi B", vào chiến đấu tại phía tây chiến trường Bắc Quảng Trị.
Đầu Tết Mậu Thân (1968), ông chuyển xuống phía đông, chiến đấu tại ngã tư Kim Đâu, Phú Hậu, tỉnh Quảng Trị. Sau một thời gian, đơn vị quay ngược lại phía tây và trải qua những trận đánh vô cùng ác liệt.
Ông kể, khi đơn vị quay lại phía tây Quảng Trị, Mỹ-Ngụy tổ chức Chiến dịch Lam Sơn 719, hay còn gọi là cuộc hành quân Hạ Lào hay Chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Nhận mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn 64 (Trung đoàn Quyết thắng) của ông thực hiện cuộc hành quân "đi B dài" phục vụ chiến đấu với tinh thần "đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến thắng lợi hoàn toàn".
Năm 1970, theo yêu cầu nhiệm vụ, binh nhì Kiều Văn Hồ được điều chuyển sang Tiểu đoàn 16, súng máy 12D7 trực thuộc Sư đoàn 320, hành quân vào Kon Tum và tiến đánh vào Gia Lai. Thời điểm này, cuộc chiến đấu cam go, ác liệt, bộ đội chủ lực vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân. "Thiếu ăn, thiếu mặc, quân số mỏng, điều kiện mọi mặt thiếu thốn vất vả nhưng ý chí kiên cường, bất khuất không vì thế mà suy giảm", người thương binh bồi hồi nhớ lại.
Giữa mưa bom bão đạn, sự sống và cái chết quá mong manh, ông cùng đồng chí của mình vẫn kề vai sát cánh với khẩu hiệu "tất cả quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, đời lính hiên ngang nơi sa trường, không nao núng, yếu mềm trước kẻ thù". Các chiến sĩ quả cảm đã vững vàng tay súng, quyết chiến để bảo vệ từng tầng đất, từng thôn làng, tiến tới thắng lợi vẻ vang năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tỏa sáng giữa đời thường
Sau thời gian chiến đấu gian khổ tại chiến trường Tây Nguyên, đến tháng 4/1975, ông bị thương, chuyển về an dưỡng, điều trị tại Bệnh viện quân y 175 TPHCM. Tháng 7/1977, với tỉ lệ thương tật 2/4, ông được phục viên trở về địa phương.
Sau những năm tháng chiến đấu, về quê hương, mang theo thương tích chiến tranh trên thịt da nhưng tinh thần "Bộ đội cụ Hồ" vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim người lính Kiều Văn Hồ.
Sau khi trở về địa phương, người lính năm nào đã nhanh chóng bắt tay lao động sản xuất. Ông trồng lúa, hoa màu, sau đó phát triển kinh tế theo mô hình chuồng trại (nuôi gà lấy thịt, nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản), nuôi ong lấy mật, mang lại thu nhập ổn định cho bản thân và làm giàu cho quê hương. Ông lập gia đình và có 3 người con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo. Đến nay, gia đình riêng của các con ông Hồ đều trưởng thành, hạnh phúc.
Là tấm gương trong lao động, ông được tín nhiệm giao phụ trách quản trị HTX Nông nghiệp, đồng thời đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn nhiều năm và 3 khóa liên tiếp là trưởng thôn. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, nhiệt tâm với bà con nhân dân, phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính anh hùng, người Đảng viên mẫu mực.
Chiến tranh đã qua đi, nỗi canh cánh trong lòng ông Kiều Văn Hồ là nhiều đồng đội của ông vẫn nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. Nhớ về những đồng đội đã ngã xuống, người lính năm nào không khỏi xót xa, quặn thắt.
Thế hệ của ông đã dành cả thanh xuân, đánh đổi sức khỏe, thương tật và cả tính mạng cho nền độc lập tự do, hạnh phúc của đất nước. Ông hi vọng đời đời con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí dân tộc, khắc cốt ghi tâm những trang sử hào hùng của đất nước và công ơn của thế hệ đi trước, để tiếp tục đóng góp trí tuệ, tâm sức dựng xây Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn. Bản thân ông cũng luôn tự nhủ và nhắc nhở các con, các cháu mình phải sống tốt, sống xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của cha ông, của những người đã ngã xuống, để sự ra đi của họ không vô nghĩa.
Với những công lao, đóng góp trong chiến đấu và công tác tại địa phương, ông Kiều Văn Hồ đã nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen của Đảng, Nhà nước. Và không lâu nữa, ông sẽ được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, phần thưởng cao quý, vinh dự mà ông dành cả cuộc đời để phấn đấu.
Thiện Tâm