Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hai ứng cử viên Sarkozy (bên phải) và Hollande (bên trái) trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp |
Trong khi đó, ông Sarkozy đi vào "mổ xẻ" từng đề xuất chính sách của ông Hollande, đặc biệt là đề xuất đánh thuế 75% vào những người có thu nhập cao ở Pháp.
Ông Sarkozy chỉ trích kế hoạch tăng thêm 60.000 việc làm trong lĩnh vực giáo dục của ông Hollande, vì vấn đề không phải là do thiếu giáo viên mà là thiếu chế độ lương bổng cho lượng giáo viên hiện thời. Ngược lại, ông Francois Hollande chỉ trích ông Sarkozy trong 5 năm qua đã cắt giảm 12.000 vị trí cảnh sát và nhân viên an ninh, dẫn tới tình trạng an ninh bất ổn hiện nay của nước Pháp.
Quan điểm của ứng cử viên Đảng Xã hội Francois Hollande cũng cởi mở hơn so với đương kim Tổng thống Sarkozy, ứng cử viên Đảng cánh hữu Liên minh phong trào vì nhân dân cầm quyền, trong nhiều vấn đề như nhập cư cho người nước ngoài, nâng cao vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong khủng hoảng, đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân…
Ngay sau cuộc tranh luận “nảy lửa" giữa hai ứng cử viên, Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Martine Aubry nhận xét, François Hollande đã đạt tầm cao của những gì mà người ta mong đợi ở một Tổng thống CH Pháp.
Ségolène Royal, cựu ứng cử viên Đảng Xã hội tranh cử năm 2007 khẳng định ông Hollande đã làm chủ cuộc tranh luận bằng sự mạnh mẽ và xác thực.
Nathalie Kosciusko-Morizet, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, đã nhận xét, ông Nicolas Sarkozy đã sử dụng thời gian một cách chính xác và đã kết thúc tranh luận một cách thanh thản.
Còn đối với ông Jean-François Copé, Tổng Bí thư Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP), cuộc tranh luận đã “làm rõ sức mạnh trong "dự án" của Sarkozy trước "một Hollande ở thế thủ và do dự”.
Khi giờ G sắp điểm, dư luận và giới quan sát đều hiểu rằng thực chất cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Sarkozy và ông Hollande không chỉ là cuộc quyết đấu giữa 2 ứng cử viên Tổng thống mà đó còn là cuộc quyết đấu tả-hữu với quá nhiều duyên nợ và không chút khoan nhượng, vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống chính trị Pháp.
Thời khắc quyết định đối với hơn 44 triệu cử tri Pháp đang tới gần. 8 giờ tối Chủ nhật ngày 6/5 (giờ địa phương), người dân Pháp và thế giới sẽ biết ai sẽ là chủ nhân điện Elysee trong 5 năm tới.
Cử tri Pháp, chủ nhân của những lá phiếu bầu, giới quan sát và nhiều quốc gia đang hồi hộp dõi theo và trông đợi thời khắc quan trọng này, có thể đó sẽ là một trang mới trong nền Cộng hòa thứ 5 của nước Pháp.
Nguyễn Chiến