Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Văn kiện của Hội nghị đã khẳng định lại sự ủng hộ đối với những nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1992 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về biển Đông cũng như Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và nhấn mạnh các bên liên quan cần thực hiện tất cả những nguyên tắc đó.
Hội nghị bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên liên quan cần kiềm chế để không có những hành động có thể ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định, sự tin tưởng và lòng tin trong khu vực, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, coi đây như là một bước quan trọng để đạt được Bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông .
Văn kiện của Hội nghị cũng đã nhắc lại quan điểm lâu nay của Phong trào Không liên kết là kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba vì hành động này trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi Mỹ trao trả Cuba đảo Guantanamo.
Đối với vấn đề Trung Đông, Hội nghị lên án các hành động bạo lực của Israel chống lại Nhà nước Palestine và sát hại dân thường Palestine, kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài và công bằng ở Trung Đông.
Về bán đảo Triều Tiên, Hội nghị nêu lại việc ủng hộ nguyện vọng hòa bình, thống nhất hai miền Triều Tiên trên cơ sở Tuyên bố cấp cao hai miền tháng 6/2000.
Về vấn đề thương mại, các nước Không liên kết bày tỏ mong muốn các nước phát triển cần tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi.
Về phương pháp làm việc, Hội nghị đã nhất trí tăng cường vai trò của Chủ tịch như là người phát ngôn của Phong trào; tăng cường điều phối và hợp tác cũng như xây dựng chiến lược chung về phát triển kinh tế xã hội với nhóm G77 và Trung Quốc.
* Trong dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có những hoạt động đối ngoại.
Gặp lại Tổng thống Venezuela Hugo Chavez sau hơn một tháng kể từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn những thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được sớm được các Bộ, ngành triển khai nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Yudhoyono đều thống nhất cho rằng quan hệ giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ nhất là lĩnh vực kinh tế. Tổng thống Yudhoyono khẳng định sẽ cho một đoàn doanh nghiệp Indonesia cùng với Tổng thống sang Việt Nam nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Gặp Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao vai trò của Tống thống Thabo Mbeki đối với sự phát triển của Nam Phi trong thời gian gần đây. Trong các diễn đàn quốc tế, Việt Nam và Nam Phi luôn có cùng quan điểm và ủng hộ nhau. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trên cơ sở của mối quan hệ chính trị tốt đẹp hiện nay, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt với Nam Phi và chuyến thăm của Tổng thống Thabo Mbeki tới Việt Nam sẽ tạo động lực cho mối quan hệ này. Tổng thống Thabo Mbeki thông báo, hiện phía Nam Phi đang tích cực chuẩn bị để ông sớm thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Còn tại cuộc gặp với Tổng thống Mozambique Armando Guebuza, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Guebuza đều thống nhất cho rằng, từ mối quan hệ truyền thống, lãnh đạo hai nước có trách nhiệm để đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới. Tổng thống Guebuza khẳng định Việt Nam là tấm gương đối với nhân dân Mozambique trong đối phó với những thách thức nhất là nghèo đói.
Tiếp Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Yong Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Kim Yong Nam cho rằng hai nước cần tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp.
Minh Ánh (theo Website ĐCSVN)