Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Messi ghi 1 bàn thắng trong chiến thắng 2-1 đầu tiên của Argentina tại World Cup 2014. Ảnh: VTV |
Tại World Cup lần thứ 2 - Italy 1934 với 16 đội tham dự, trong 8 trận đấu vòng bảng đã không có trận hòa nào. "Kỷ lục" này được giữ mãi qua 80 năm đến kỳ World Cup lần này mới bị phá vỡ.
Sau trận đấu mới nhất, trận thứ 11 vòng bảng, giữa Argentina và Bosnia-Herzegovina vừa kết thúc cách đây vài giờ (ngày 16/6 giờ Việt Nam), Argentina giành thắng lợi với tỷ số 2-1. Trận đấu này đã lập "kỷ lục" mới của World Cup: Qua 11 trận không có trận hòa (hơn kỷ lục cũ 3 trận).
Một điều thật thú vị và cũng là món quà cho người hâm mộ Argentina khi có một giáo viên nghèo, anh Lucas Ledesma đã đạp xe đạp vượt chặng đường 2.649km từ thành phố Cordoba (Argentina) đến Rio de Janeiro của Brazil. Lucas không có vé vào sân để tận mắt chứng kiến trận đấu của đội nhà nhưng tình yêu đội tuyển quốc gia của anh đã được đền đáp khi Argentina vượt qua “cửa ải” đầu tiên với chiến thắng 2-1.
Quả bóng do cầu thủ Bezema của Pháp sút đã lăn qua vạch vôi trước khi thủ môn đội Honduras ... phá ra ngoài. Ảnh: VTV |
Lần đầu tiên "Goal-line" - công nghệ xác định bàn thắng qua vạch vôi công nhận bàn thắng gây tranh cãi đã được FIFA áp dụng ở VCK World Cup 2014.
Trong trận Pháp-Honduras, cầu thủ Benzema của đội tuyển Pháp dứt điểm nối từ đường chuyền của Cabaye ở phút 47 của trận đấu. Thủ thành Honduras để bóng bật ra khỏi tầm tay trong tích tắc… rồi mới hất bóng ra ngoài. Tuy nhiên, công nghệ Goal-line đã giúp trọng tài công nhận bàn thắng của Benzema bất chấp việc các cầu thủ Honduras phản đối quyết liệt.
Cũng ở VCK World Cup này, lần đầu tiên FIFA sử dụng bình xịt tạo ra một loại bọt đặc biệt để đánh dấu điểm đặt bóng và vạch đường kẻ cho hàng rào chắn khi có 1 quả phạt cố định. Với cách thức này cầu thủ đá phạt không thể “ăn gian” vị trí đặt bóng và các cầu thủ lập hàng rào cũng không thể “lập lờ đánh lận con đen” được nữa. Tất cả phải tuân theo vạch bọt này.
Vạch chống... "ăn gian" lần đầu tiên được FIFA sử dụng trong trận khai mạc World Cup 2014. Ảnh: VTV |
Người phát minh ra loại kem xịt đặc biệt này là Pablo Silva, người Argentina. Phiên bản được sử dụng ở World Cup năm nay có tên “Aerosol 9-15” hoặc “9-15 fair play limit”- tên gọi này xuất phát từ khoảng cách quy định 9m15 từ quả bóng đến hàng rào.
Trận đấu khai mạc World Cup giữa Brazil và Croatia là trận đầu tiên “công nghệ chống ăn gian” được sử dụng.
Một “kỷ lục” khác cũng vừa được cầu thủ Hà Lan Arjen Robben thiết lập với danh hiệu “Cầu thủ chạy nhanh nhất thế giới”. Trong trận gặp Tây Ban Nha (ngày 13/6), để vượt qua hậu vệ Tây Ban Nha Sergio Ramos, tiền vệ Hà Lan đã bứt phá với vận tốc… 37km/h trong khi Ramos chỉ chạy được 30,6km/h nên bị rớt lại… để Robben nâng tỷ số lên 2-1 cho Hà Lan. Trận thua này cũng là trận thua đậm nhất của đội tuyển Tây Ban Nha sau 51 năm.
Cầu thủ chạy nhanh nhất... World Cup - Robben |
Trước đó, hồi tháng 4, FIFA đã công bố danh sach 10 cầu thủ bóng đá chạy nhanh nhất thế giới, người giữ chức quán quân là cầu thủ Ecuador/Manchester United - Valencia (35,1km/h) còn Robben đứng thứ 9 do chỉ chạy được... 30,4km/h.
Ở kỳ World Cup lần này, đội tuyển Anh cũng không phá được “dớp” khi bị thua ở trận mở đầu mỗi khi VCK World Cup tổ chức tại khu vực Mỹ Latinh. Tại Chile năm 1962, “Tam sư” bị Hungary đánh bại; ở Mexico 1986, đội thuyển Anh bị Bồ Đào Nha hạ gục, còn ở trận đấu đầu tiên tại World Cup 2014 vừa qua, Italy cũng đã lấy đi miền vui của các cầu thủ xứ sở sương mù.
Thùy Linh (tổng hợp)