• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bến Tre: Gần 167.000 lượt hộ thoát nghèo từ vốn tín dụng ưu đãi

(Chinhphu.vn) - Trong 20 năm qua, gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre được vay vốn ưu đãi. Qua đó, giúp 116.623 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo đa chiều bền vững.

21/09/2022 14:41
Bến Tre: Gần 167.000 lượt hộ thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ - Ảnh: Bentre.gov.vn

Hộ nghèo có vốn sản xuất, thay đổi nhận thức làm ăn

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ (2002-2022) trên địa bàn tỉnh Bến Tre,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết công tác triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã khẳng định đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ.

Chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ đã giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.284 tỷ đồng, gấp 23 lần so với 20 năm trước. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, tỉ lệ nợ quá hạn giảm từ 4,28% xuống còn 0,22%.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn. Qua đó, đã giúp 116.623 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo đa chiều bền vững.

Nguồn vốn ưu đãi đưa vào sản xuất đã tạo việc làm mới cho 48.243 lượt lao động. Trong đó, có 2.330 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 46.031 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập.

Cũng trong thời gian này, 10.397 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo; 95 công trình nhà ở xã hội được xây mới và cải tạo; 223.605 công trình nước sạch và 223.605 công trình vệ sinh nông thôn được xây dựng.

Bên cạnh đó, 22.408 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư 22.408 dự án; 565 thương nhân vùng khó khăn vay vốn sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn ưu đãi đã đến tay 38 người sử dụng lao động vay để trả lương cho 5.468 người lao động; cho 516 học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính và 15 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Bé Mười khẳng định trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tín dụng chính sách lan tỏa đến các vùng sâu, vùng xa, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế nạn tín dụng đen.

Vốn tín dụng ưu đãi đã tạo thêm nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; xây dựng nông thôn mới. Việc cho vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện công khai, dân chủ và giúp người nghèo và các đối tượng chính sách yên tâm sản xuất tiến tới làm giàu trên chính quê hương mình và hạn chế tình trạng hộ vay đi làm ăn xa.

Tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi nhận thức của người nghèo khi  họ không còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của xã hội mà đã biết biết quản lý vốn, sử dụng vốn hiệu quả và quen dần với tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đây cũng là giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện tích cực và có hiệu quả chính sách này.

Chú ý bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị thời gian tới, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn để NHCSXH tỉnh có thêm nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách để người nghèo và các đối tượng chính sách khác hiểu rõ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách; thực hiện tốt các nội dung ủy thác và đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, hiệu quả,…

Nguyễn Phương