• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bệnh tay chân miệng vẫn trong tầm kiểm soát, có chiều hướng giảm

(Chinhphu.vn) – Đây là lời khẳng định của TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tình hình bệnh tay chân miệng hiện nay.

30/09/2011 18:07

Từ đầu năm 2011 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng đã lên đến hơn 50.000 ca gây tâm lý lo lắng của không ít người dân. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

 


TS. Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - Ảnh: Chinhphu.vn
Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học

PV: Xin ông cho biết hiện nay bao nhiêu tỉnh, thành phố đã có dịch tay chân miệng? Địa phương nào có tỷ lệ nhiễm bệnh này nhiều nhất?

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, từ đầu năm 2011 đến ngày 22/9/2011, cả nước đã ghi nhận 57.055 trường hợp mắc tay chân miệng tại 61/63 địa phương, trong đó đã có 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.

Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 69,8% số mắc và 89,2% số tử vong của cả nước.

Dịch tay chân miệng bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20 với 850 ca mắc/tuần, cao nhất là tuần thứ 27 (2.351 ca mắc). Hiện tại vẫn đang duy trì ở mức cao với trên 2.000 ca mắc/tuần.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực phía Nam là: TP. Hồ Chí Minh (8.972), Đồng Nai (5.332), Đồng Tháp (3.445), Bến Tre (2.284), Tiền Giang (2.241), Bà Rịa - Vũng Tàu (2.237), Long An (1.967), Bình Dương (1.859), Vĩnh Long (1.537) và Tây Ninh (1.494).

Quảng Ngãi là tỉnh có số ca mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực miền Trung với 5.555 trường hợp.

Cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng, tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.273 trường hợp mắc, 1 tử vong.

26/28 tỉnh,thành phố; 206/300 quận huyện và 1.496/4.751 xã thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 2.132 trường hợp mắc.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.

Dịch bệnh đang có chiều hướng giảm

PV: Nhưng thực tế là số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang ngày càng nhiều hơn đúng không, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Nhiều là do cộng dồn từ đầu năm, số liệu thống kê cộng dồn thì số lượng sẽ tăng lên.

Tuần

Số ca mắc

27

2351

28

1877

29

2143

30

2139

31

2280

32

2297

33

2221

34

2218

35

2171

36

2094

37

2088

38

2085

Ghi nhận số ca mắc theo tuần từ tuần thứ 27 đến tuần 38 năm 2011 - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thống kê tổng thể ta sẽ thấy, từ tuần thứ 27 tới nay (tuần 38), số trẻ mắc tay chân miệng đã giảm. Cụ thể, tuần thứ 37 số ca mắc bệnh này là 2088, sang tuần 38 số ca mắc còn là 2085. Đặc biệt tại các tỉnh, thành trước đây có nhiều trẻ bị mắc bệnh hiện đang có dấu hiện giảm ca nhiễm bệnh. Điều này cũng cho thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tay chân miệng đang có hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng số lượng mắc bệnh hiện giảm là chưa nhiều. Điều này do một số nguyên nhân sau:

Một là, theo thống kê, số ca bệnh tay chân miệng thường tăng cao trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Hai là, từ tuần 27 có 2.351 ca mắc được ghi nhận tại 33 tỉnh, thành phố nhưng ở tuần thứ 38 đã có tới 61 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh.

Trên thực tế, các tỉnh có số mắc nhiều trước đây đã giảm rõ rệt như TP. Hồ Chí Minh trước đây bình quân mỗi tuần ghi nhận 500 ca, hiện nay còn khoảng 300 ca, tương tự tại Bình Dương 100 ca nay còn 60-70 ca/tuần

Ba là, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp cơ bản để giảm mắc phụ thuộc vào nhận thức của bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc thực hành kỹ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ. Trong khi đó, không phải ai cũng biết vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách và tập quán, thói quen của mọi người là không phải có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

PV: Có thể thấy, vấn đề phòng chống bệnh tay chân miệng hiện phụ thuộc phần lớn vào ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là cho trẻ. Trong khi đó, các trường học hiện đã bước vào năm học mới, khiến tâm lý các bậc phụ huynh có nhiều băn khoăn, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Dự báo bệnh tay chân miệng ở nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới (từ tháng 9 đến tháng 11), gia tăng số mắc, ca tử vong vì bệnh tay chân miệng lây truyền do vi rút đường ruột, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.

Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ chưa tự thực hiện được các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở hiện nay hiệu quả chưa cao. Mới tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh môi trường, còn việc vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ chưa chú trọng, kết hợp với công tác tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh cần phải được đẩy mạnh hơn.

PV: Ở địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hiện tỷ lệ mắc tay chân miệng là không nhỏ, thậm chí đã có các trường hợp trẻ tử vong. Theo ông thực tế này phản ánh những tồn tại gì hiện nay?

TS. Nguyễn Văn Bình: Việt Nam là một nước nhiệt đới, là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm lưu hành, thuận lợi cho cho các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm tồn tại và phát triển.

Cùng với đó là tốc độ đô thị hoá nhanh chóng cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp và khu nhà trọ cho người lao động, khả năng cung cấp nước sạch còn nhiều hạn chế, thực phẩm ô nhiễm là nguyên nhân thuận lợi lưu hành tác nhân gây bệnh và bùng phát dịch.

Bệnh tay chân miệng thường lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp.

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là 2 thành phố tập trung đông dân cư, mật độ dân số đông nên số mắc và tử vong tuyệt đối do bệnh tay chân miệng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cao hơn các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.

Tuy nhiên tính số mắc bệnh tay chân miệng/100.000 dân thì TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 7 trong vùng, sau các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh.

Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân giúp chủ động phòng tránh bệnh

PV: Thực tế nêu trên đòi hỏi cần phải có chủ trương gì để giải quyết?

TS. Nguyễn Văn Bình:  Hiện nay, 6 Đoàn công tác liên ngành gồm các thành viên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên kế hoạch đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại 13 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó, là cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của tuýp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

Bộ Y tế cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, triển khai Kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng, chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011-2012.

Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng theo quy định của Bộ Y tế.

PV: Theo Cục trưởng, làm thế nào để giúp người dân, nhất là các trẻ nhỏ phòng tránh được bệnh tay chân miệng?


Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch là một trong những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
TS. Nguyễn Văn Bình: Hầu hết các trường hợp bị bệnh tay chân miệng sẽ qua khỏi nếu căn nguyên gây bệnh là do Coxsackievirus (A16) và các vi rút đường ruột khác nhưng nếu do nhiễm Enterovirus 71, trẻ có biểu hiện nặng hơn, có thể bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi.

Mọi lứa tuổi có thể bị nhiễm Enterovirus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp cơ bản để giảm mắc là nâng cao nhận thức của bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc thực hành kỹ năng vệ sinh cá nhân là nhiệm vụ cần trong thời gian tới.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau:

Một là, trẻ ốm phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Thu gom xử lý phân bằng chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp. Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch chloramin B (0,5%) quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch.

Hai là, cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát.

Ba là, rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng.

Bốn là, người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloramin B.

Năm là, khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

PV: Trân trọng cảm ơn!

Trần Thơm - Thanh Hoài thực hiện