• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bệnh vô cảm: Một “vết gãy” của văn hóa

(Chinhphu.vn) - Dư luận gần đây bày tỏ quan ngại về “căn bệnh” vô cảm đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội xung quan vấn đề này.

11/07/2013 09:14

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan. Ảnh VGP/Phương Liên

Là chuyên gia tâm lý, ông đánh giá thế nào về căn bệnh vô cảm đang lan truyền trong xã hội. Vì đâu dẫn đến nguyên nhân của căn bệnh xã hội này?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Hiện tượng vô cảm có thể diễn ra trong bất cứ xã hội nào, tùy tính chất sẽ có sự khác biệt ở những nhóm cộng đồng khác nhau, ở các nền văn hóa khác nhau thì sẽ có tính chất khác nhau, hình thức biểu hiện khác nhau. Điều đáng buồn là, chúng ta thấy rất rõ hiện tượng vô cảm lại tiến dần theo mức độ phát triển của xã hội.

Xã hội càng phát triển thì hiện tượng, mức độ của sự vô cảm lại càng được bộc lộ rõ hơn trong quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, trong cộng đồng và còn len lỏi vào trong từng gia đình. Nhưng từ lịch sử rất dài đó, chúng ta rút ra một vấn đề: ở những xã hội kém phát triển, mối quan hệ giữa con người với con người khi xã hội còn lạc hậu, còn sống dựa vào tự nhiên, các cá nhân muốn tồn tại phải dựa vào nhau để cùng chống lại thiên nhiên, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt... khi người ta còn phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng để vượt qua, thì ở đó hiện tượng vô cảm sẽ ở mức độ thấp hơn.

Chúng ta lật lại lịch sử của dân tộc thì thấy các thế hệ trong một gia đình rất gắn kết với nhau bởi thế hệ trẻ phụ thuộc vào thế hệ già, bởi họ sống lâu năm, tích lũy được kinh nghiệm, vật chất.

Khi có một sự việc rất nhỏ diễn ra trong một gia đình thì cả làng, cả xã đều biết. Đó là cơ chế “mở” nhưng rất gắn kết của một cộng đồng, người ta phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, hỏi han, chính điều đó đã can thiệp vào các cá nhân, tạo nên sức ép để mỗi cá nhân đều phải chịu sức ép của cộng đồng. Nếu anh đi chệch điều đó thì sẽ bị gạt ra khỏi cộng đồng.

Do vậy hiện tượng lãnh cảm, thờ ơ với những số phận khác là không có trong xã hội xưa. Một cá nhân có hành vi thờ ơ, lãnh cảm với những người khác sẽ tạo ra một hậu quả xấu để cộng đồng nhìn không tốt về cha mẹ họ, dòng họ của họ.

Khi xã hội phát triển, bắt đầu nâng dần mức sống, năng lực và sự hiểu biết của con người, con người không còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, lệ thuộc vào các yếu tố khác. Khi con người dần dần thoát ra khỏi sự chi phối và níu kéo của cộng đồng, độc lập sống được, lúc đó, các mối quan hệ đã lỏng dần từ phạm vi làng xã, cộng đồng cho đến phạm vi gia đình.

Trong giai đoạn hiện nay, xã hội bộc lộ khá rõ ra sự thờ ơ, lãnh cảm với những thân phận xung quanh là chúng ta đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn, có thể gọi đó là vết gãy của văn hóa. Văn hóa thường phải liên tục phát triển, các giai đoạn, thời kỳ phải nối tiếp nhau tạo nên một dòng văn hóa để các cá nhân dựa vào đó ứng xử và tồn tại.

“Vết gãy của văn hóa” đã khiến cho con người hiện đại đang có lối sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Khi chúng ta bước vào nền kinh thế thị trường, hội nhập và mở cửa thì mức sống của người dân bắt đầu cao lên vào lúc người ta chưa hề có sự chuẩn bị cho sự thay đổi đó. Trong giai đoạn trước người ta phải sống dựa vào cộng đồng, tính cộng đồng được đề cao, đi đâu chúng ta cũng nghĩ về gia đình, làng xóm, bởi có họ chúng ta mới tồn tại được. Thế nhưng bây giờ vai trò của cá nhân được đẩy lên, nhu cầu của con người được thỏa mãn, được đề cao dẫn đến việc cá nhân tự thoát dần ra.

Điều rất quan trọng nữa là khi chúng ta tiếp nhận lối sống mới, lối sống tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau, con người ta bắt đầu hiểu được sức mạnh của đồng tiền, của sự thỏa mãn nhu cầu. Khi được thỏa mãn cho riêng mình thì nảy sinh một sự so sánh: khi tôi trợ giúp và can thiệp với người khác thì xã hội này, những người xung quanh nhìn nhận nó không như trước đây. Dẫn đến một sự rối loạn hành vi trong ứng xử. Đáng lý thấy người bị nạn trên đường người ta phải giúp, thấy điều ác thì phải đấu tranh nhưng lại chần chừ do dự, thậm chí thờ ơ, lãnh cảm với những nỗi đau của người khác. Đó là một tội ác.

Hành vi của con người trong xã hội bây giờ chỉ nhằm vào lợi ích của chính mình, họ ít quan tâm đến người khác, đến cuộc đời người khác. Nó làm nghèo đi, là một sự thô thiển, làm tầm thường hóa trong cách ứng xử giữa con người và con người.

Thói vô cảm, thờ ơ với cuộc sống xung quanh mình sẽ gây ra những hậu quả như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Trên các tuyến đường giao thông, xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, người thì chết, kẻ bị thương, phương tiện hư hỏng, tổn thất rất nặng nề mà người đi qua, kẻ đi lại, cứ đứng nhìn trơ trơ, rất ít người ra tay cứu giúp. Bệnh vô cảm cũng đã len lỏi vào trong chốn học đường, vốn được xem là môi trường trong lành nhất, nơi rèn đức luyện tài cho những chủ nhân của xã hội vậy mà dư luận liên tục đề cập ngày càng nhiều việc đánh nhau, bạo lực trong học đường.

Bệnh vô cảm có ảnh hưởng rất lớn, chỉ cần một hành động chỉ đạo, làm không đến nơi  đến chốn là biết bao người ảnh hưởng theo. Ví dụ việc khi được dân thông báo ngôi chùa này bị hỏng, đoạn đường kia hỏng cần thi công lại, mà mấy ông quan chức chỉ vâng, vâng, dạ, dạ rồi để đấy, thì bao nhiêu người sẽ bị tai nạn trên đọan đường đó, bao nhiêu di tích sẽ sập, sẽ hỏng theo.

Nếu không vô cảm thì sao có chuyện trẻ con chèo đò qua sông đi học bao nhiêu năm mà người lớn vẫn nhắm mắt làm ngơ. Nếu không vô cảm thì sao có chuyện học sinh trường nội trú phải bẫy chuột làm thức ăn cho qua ngày.

Đi ra đường thấy lũ càn quấy không ai dám ngăn cản, thấy người khác bị đánh không ai "dại gì” bênh vực... Xã hội đang có nhiều người "không dại gì" như vậy nên người xấu càng được đà làm càn và tiếp tay cho việc gia tăng nhiều người xấu.

Rõ ràng đây là căn bệnh của thế giới hiện đại, đúng hơn là mặt trái thuộc thế giới hiện đại và người mắc bệnh nhiều nhất là tầng lớp thanh niên?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Rất tiếc điều này không chỉ nằm ở bộ phận thanh thiếu niên mà cả những người trưởng thành và những người lớn tuổi, nhất là ở đô thị. Trước đây, sống ở nông thôn “tối lửa, tắt đèn” có nhau. Chính sự đoàn kết này giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác, một phần khiến kẻ xấu sợ hãi không dám ra tay. Còn ngày nay, “đèn nhà nào nhà ấy rạng”, hàng xóm sát vách không biết mặt nhau khiến họ ít bộc lộ, ít chia sẻ, ít quan tâm đến người khác dẫn đến thái độ dửng dưng, thờ ơ, vô cảm...

Chúng ta phải “đối xử” với căn bệnh nan y này như thế nào, làm sao để diệt tận gốc được bệnh?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Thói vô cảm dường như đã trở nên không cần che giấu, và phổ biến đến mức thành một phần của đời sống xã hội. Nói lý thuyết về “bệnh” này thì rất dễ, nhưng làm sao để xã hội “giảm bệnh” một cách thực tế thì rất khó. Đối xử với “bệnh vô cảm” là chuyện của mọi người sống trong xã hội, nhưng trước hết, nó phải là “việc phải làm” của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông phải tập trung tuyên truyền, định hướng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân". Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa "bệnh vô cảm".

Để khắc phục không thể hy vọng một sớm một chiều. Tuy nhiên, chúng ta hãy tích cực chống lại "bệnh vô cảm", phải giáo dục cho từng cá nhân một lối sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng. Hãy lấy tình thương yêu mà làm ngôi vị trung tâm của cuộc sống, hãy dang rộng trái tim mình để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương và rung cảm với cuộc đời.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)