Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 22/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện.
Trong đó nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khẳng định sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước.
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên về ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết này.
- Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như nào về ý nghĩa của Nghị quyết 57 đối với việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia?
Đồng chí Phạm Đại Dương: Lịch sử phát triển thế giới đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học và công nghệ trong khát vọng vươn mình của mỗi dân tộc. Trong mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, quốc gia nào làm chủ khoa học và công nghệ thì quốc gia đó vươn lên dẫn đầu.
Đối với Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn xác định, cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Do đó, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển của khoa học, công nghệ, và sau này là bao gồm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của chúng ta chưa đạt được nhiều kết quả kỳ vọng, như Nghị quyết 57 đã chỉ ra.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 57 thực sự là đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là đột phá quan trọng hàng đầu trong tiến trình vươn mình của dân tộc. Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm của Đảng, giải quyết những vấn đề then chốt, những mong mỏi của giới trí thức, nhà khoa học - đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp và Nhân dân.
-Đồng chí cho rằng Nghị quyết 57 là đột phá lớn, xin đồng chí có thể phân tích thêm về nội dung này?
Đồng chí Phạm Đại Dương: Đột phá đầu tiên và quan trọng nhất, đó chính là sự quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và theo đó là của cả hệ thống chính trị.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban, và thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước chính là sự cam kết, sự quyết tâm lớn nhất, mạnh mẽ nhất.
Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ đạo việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hết sức quyết liệt, mạnh mẽ.
Tôi tin tưởng rằng, khi Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thì sự chuyển biến trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế, thực sự là một cuộc cách mạng.
Đồng thời, Nghị quyết 57 đã chuyển đổi tư duy từ "quản lý" khoa học và công nghệ sang "quản trị" khoa học và công nghệ. Nghĩa là, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất; người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quan điểm này đã giải quyết rất nhiều hạn chế lâu nay trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ nhất, chúng ta chấp nhận cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra.
Thực tiễn luôn biến đổi không ngừng và luôn đặt ra những vấn đề mới. Sáng tạo, khoa học, công nghệ chính là giải quyết những vấn đề mới đó, và đôi khi, dẫn dắt các vấn đề mới phát sinh. ChatGPT, Germini... chính là những ví dụ điển hình của khoa học, công nghệ dẫn đắt các vấn đề mới phát sinh của thực tiễn.
Tuy nhiên, quản lý nhà nước thì thường không kịp thời với các thực tiễn mới đặt ra. Do đó, chấp nhận cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, việc cho phép thí điểm để giải quyết những vấn đề mới phát sinh sẽ giúp tăng cường quản trị đất nước, nhưng quan trọng hơn, sẽ tạo nền tảng, hành lang pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, chúng ta chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung không mới trong các nước phát triển, nhưng lần đầu tiên chúng ta chấp nhận việc này. Điều này sẽ khai phóng tư duy, đưa những ý tưởng mới vào nghiên cứu, nhất là khi sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Thứ ba, và có lẽ cũng quan trọng nhất, đó là Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất; Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính. Nguồn lực Nhà nước thì hữu hạn, nhưng nguồn lực, nhất là nguồn lực tư duy, nguồn lực sáng tạo, nguồn lực khát vọng và đam mê trong xã hội thì vô cùng tận.
Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy, các sáng tạo, đột phá thường đến từ xã hội và chỉ một phần đến từ đầu tư của Nhà nước. Nhà nước chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, để nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các kết quả nghiên cứu đó.
Việc chúng ta khơi thông nguồn lực xã hội trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo thành phong trào trong toàn xã hội sẽ là yếu tố quyết định thành công cho cuộc cách mạng này.
Ngoài ra, Nghị quyết 57 cũng đã chỉ ra những mục tiêu, những nhiệm vụ giải pháp hết sức cụ thể, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước. Đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy, nhất là trong giai đoạn đầu, cho mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Vậy Nghị quyết này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của các địa phương trong đó có tỉnh Phú Yên, thưa đồng chí ?
Đồng chí Phạm Đại Dương: Như Nghị quyết đề cập, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Để cả nước có thể thực hiện thành công mục tiêu này, thì mỗi địa phương trong cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng phải nhận thức rõ quan điểm này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.
Tuy nhiên, mỗi địa phương cần phải xác định được khả năng, tiềm năng của mình để có cách tiếp cận, cụ thể hoá việc triển khai Nghị quyết 57 trên địa bàn mình một cách phù hợp.
Các địa phương lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng ... với nguồn lực xã hội dồi dào, nhất là nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao thì sẽ có những cách tiếp cận mạnh mẽ, mang tính sáng tạo, dẫn dắt cho cả nước. Cũng có những địa phương sẽ tiếp cận cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Đối với Phú Yên, chúng tôi xác định nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn và công nghiệp là đột phá. Với xuất phát điểm kinh tế chưa bằng các địa phương khác trong cả nước, cần nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, do đó, trọng tâm của Phú Yên là thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Phú Yên đang thu hút đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số.
Phú Yên cũng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây, vật nuôi. Tập trung công tác quy hoạch và triển khai nuôi trồng thuỷ hải sản bền vững, nhất là ở vùng biển hở, xa bờ với các công nghệ mới trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến... gắn với phát triển kinh tế biển. Triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch để quảng bá, giới thiệu và đưa du lịch Phú Yên vươn tầm thế giới.
Trong quản trị đô thị, Phú Yên định hướng xây dựng Thành phố Tuy Hoà là thành phố thông minh, có rừng trong phố và là một trong những đô thị sạch nhất cả nước, coi đây là trung tâm thử nghiệm, lan toả các công nghệ quản trị trong cả tỉnh.
Những định hướng và hành động này sẽ giúp Phú Yên đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Có thể nói rằng, Nghị quyết 57 thực sự là tạo sự đột phá trong nhận thức, tầm nhìn và giải pháp để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Tổng Bí thư, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoàng Giang (thực hiện)