Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lịch sử phát triển của BIDV là cuộc hành trình của một tổ chức luôn đồng hành với những nhiệm vụ trọng đại của đất nước - một hành trình vẻ vang với nhiều dấu ấn đáng tự hào.
Ngày 26/4/1957, với Nghị định 177/TTg của Thủ tướng Chính phủ, lịch sử ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam được ghi thêm một dấu mốc quan trọng với sự ra đời của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam - đơn vị thuộc Bộ Tài chính và là tiền thân của BIDV ngày nay.
Ngân hàng Kiến thiết được thành lập với nhiệm vụ chính là cấp phát vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt 18 năm (từ 1957 đến 1975), Ngân hàng Kiến thiết đã bám sát nhiệm vụ cốt lõi, cấp phát vốn kịp thời, hiệu quả để xây dựng hàng trăm công trình quốc kế dân sinh ở miền Bắc. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu như: Khu công nghiệp Thượng Đình; các nhà máy cơ khí ở Hà Nội; Khu gang thép Thái Nguyên; Khu công nghiệp Việt Trì; Phân đạm Hà Bắc; Supe phốt phát Lâm Thao; các nhà máy điện Uông Bí, Nghệ An; các mỏ than ở Quảng Ninh; công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải; các trường đại học Bách Khoa, Kinh tế Kế hoạch; các bệnh viện, cơ sở y tế;... Đồng thời, ngân hàng đã tổ chức những đơn vị đặc biệt để cấp vốn xây dựng các công trình cầu đường, thông tin liên lạc, đường ống xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại,... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 24/6/1981, nhằm triển khai chủ trương tập trung hệ thống tín dụng, tiền tệ vào một ngân hàng thống nhất, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định chuyển Ngân hàng Kiến thiết thuộc Bộ Tài chính để thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước với nghiệp vụ chủ yếu vẫn là cấp phát, cho vay thi công. Nhiều công trình tầm vóc thế kỷ như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An…
10 năm thực hiện sứ mệnh, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn để có những bước chuyển mạnh mẽ trong dòng chảy đổi mới của đất nước, khẳng định vị thế là một ngân hàng chuyên doanh chủ lực trong lĩnh vực kiến thiết, đầu tư, xây dựng. Thực hiện Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, ngày 14/11/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên cơ sở chuyển đổi từ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng.
Đến cuối năm 1994, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động cấp phát, tín dụng chỉ định được tách ra khỏi chức năng nhiệm vụ của BIDV để hình thành nên Tổng cục Đầu tư Phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Kể từ 1/1/1995, BIDV chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, BIDV cổ phần hóa thành công và từ tháng 5/2012 chính thức chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần. Từ đó đến nay, hoạt động kinh doanh của BIDV luôn tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành ngân hàng và đất nước.
Trong giai đoạn này, một dấu mốc đáng nhớ đã được định danh trong dòng chảy lịch sử BIDV. Đó là năm 2019, BIDV hoàn thành giao dịch hợp tác chiến lược với Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) và công bố Ngân hàng Hana trở thành là cổ đông chiến lược nước ngoài của BIDV.
Ông Phan Đức Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, trải qua 65 năm hoạt động với hơn 25 năm kinh doanh thương mại, từ một ngân hàng đơn sở hữu, hoạt động đơn lĩnh vực trong môi trường nội địa và khách hàng thuần túy là doanh nghiệp Nhà nước, BIDV ngày nay đã trở thành một định chế tài chính đa sở hữu, hoạt động đa quốc gia, kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, vận hành công khai, minh bạch theo chuẩn mực, thông lệ quản trị quốc tế... Từ một ngân hàng chuyên doanh thuở ban đầu với quy mô rất khiêm tốn là 11 chi nhánh và 200 cán bộ,... BIDV ngày nay có mạng lưới kinh doanh rộng khắp gồm 1.085 chi nhánh, phòng giao dịch trong và ngoài nước, 10 công ty con và các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 27.000 cán bộ được đào tạo bài bản, dạn dày kinh nghiệm...
BIDV hiện đang phục vụ hơn 15 triệu khách hàng; hợp tác, giao dịch với hơn 2.300 định chế tài chính ở 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu... Và ở vào thời điểm kết thúc năm 2021, BIDV vững vàng với vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô đứng đầu Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng - là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam; huy động vốn trên 1,5 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng trên 1,36 triệu tỷ đồng; tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,81%; tỉ lệ bao phủ nợ xấu 235%; vốn Nhà nước được bảo toàn và không ngừng phát triển (vốn Nhà nước cấp cho BIDV năm 1990 là 200 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 vốn Nhà nước tại BIDV là gần 41.000 tỷ đồng, chiếm gần 81% vốn điều lệ của ngân hàng); giá trị vốn hóa của BIDV hiện đạt hơn 242.300 tỷ đồng (tương đương 10,5 tỷ USD); đứng thứ tư toàn thị trường; BIDV đóng góp ngân sách trên 28.000 tỷ đồng trong 5 năm trở lại đây, thuộc nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam...
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, BIDV là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, coi đó là một trong những giá trị cốt lõi mà ngân hàng nỗ lực dành nhiều nguồn lực, tâm sức thực hiện. Hoạt động an sinh xã hội được BIDV triển khai trên nhiều lĩnh vực nhu: Giáo dục, y tế, cứu trợ thiên tai, xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng cầu đường, quà Tết cho người nghèo, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế… Tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội của BIDV trong giai đoạn 2007-2022 đạt hơn 4.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, khi đất nước ta cùng với bạn bè quốc tế phải gồng mình để chống đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, BIDV đã phát huy tốt vai trò của mình, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vận hành hoạt động thông suốt để cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống...
Trong đó có thể kể đến những chương trình nổi bật như: "Miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn"; "Đồng hành cùng ngành y - chung tay vượt đại dịch"... Trong 2 năm 2020-2021, BIDV đã chủ động giảm thu nhập 14.300 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Những hoạt động tích cực đó đã khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV không chỉ là định chế tài chính hàng đầu đất nước mà còn là doanh nghiệp vì khách hàng, vì cộng đồng...
Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, BIDV tự hào được Đảng, Nhà nước Việt Nam phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng... Và nhờ những đóng góp chí tình, trách nhiệm, hiệu quả... BIDV được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất...; được Quốc vương Campuchia trao tặng Huân chương Hoàng gia hạng Nhất, Huân chương Monisaraphon hạng Moha Sereivath...
Bên cạnh đó, BIDV còn được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận, vinh danh với nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: Top 2.000 công ty đại chúng lớn nhất và quyền lực nhất thế giới, Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á; Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc; Doanh nghiệp vì cộng đồng…
Người đứng đầu BIDV nhận định, chặng đường phía trước của BIDV đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng sẽ có không ít thử thách. Để định hướng cho giai đoạn phát triển mới, BIDV đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam và thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Đây là kim chỉ nam để BIDV triển khai kế hoạch kinh doanh hàng năm và là nền móng để BIDV tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò là ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu lớn của Nhà nước, giữ vững vị thế ngân hàng chủ lực, có trách nhiệm của quốc gia, góp phần tích cực vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Từ ngày 26/4/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, ngân hàng vẫn tiếp tục giữ tên viết tắt BIDV và tên đầy đủ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tuy nhiên, thiết kế logo và màu sắc thương hiệu có sự điều chỉnh so với nhận diện cũ. Biểu tượng mới của thương hiệu BIDV kết hợp hình ảnh ngôi sao và hoa mai. Hình ảnh ngôi sao là trung tâm được truyền cảm hứng từ Quốc kỳ Việt Nam song được cách điệu với những đường nét viền mở và chuyển động. Ngân hàng cho biết đây là cách thể hiện sự dịch chuyển của BIDV, tinh thần đổi mới phát triển trong thời đại số của ngân hàng hướng tới sự thân thiện, hiện đại, lấy khách hàng - nguồn nhân lực - chuyển đổi số là trụ cột phát triển, luôn vận động vươn lên. Màu sắc thương hiệu chủ đạo của BIDV là màu xanh ngọc lục bảo (một trong tứ đại ngọc quý). Màu xanh tượng trưng cho sự sống, trường tồn và khát vọng phát triển bền vững của BIDV. Màu bổ trợ là màu vàng hoa mai tạo diện mạo tươi mới, năng động, nhiệt huyết. Màu vàng cũng là màu sắc thể hiện bản sắc nghề tài chính ngân hàng.
Anh Minh