• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Biến đổi khí hậu và những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên

(Chinhphu.vn) – Không cần nhiều tính toán khoa học, mỗi người đều có thể cảm nhận được thời tiết ngày càng khắc nghiệt và đặc biệt là hay “trái tính đổi nết” với nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Vậy mẹ thiên nhiên đã và sẽ giận dữ như thế nào? Do đâu gây ra những cơn thịnh nộ như vậy?

29/06/2015 09:40
Bài 1: Những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên


Những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên
Qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, hầu như thường xuyên chúng ta phải chứng kiến những thảm họa do thiên nhiên gây ra với mật độ ngày càng dày đặc và mức độ thì ngày càng khốc liệt. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, trên thế giới đã xảy ra khoảng 5.000 trận thiên tai.

Cùng điểm lại những cơn “thịnh nộ” lớn nhất của đất trời trong vòng 15 năm qua mà nhân loại đã phải hứng chịu.

Động đất kinh hoàng ở Haiti, 316.000 người thiệt mạng

Vào 16h53 (giờ địa phương) ngày 12/1/2010 đã xảy ra trận động đất mạnh 7 độ Richter, tâm chấn nằm ở gần thị trấn Leogane cách thủ đô Port au Prince 25 km. Rung lắc còn kéo dài tới tận ngày 24/1.

Theo đánh giá, có khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng, 316.000 người thiệt mạng, hơn 300.000 người bị thương, hàng triệu nhà cửa bị phá hủy.

Vốn là quốc gia bị coi là nghèo nhất ở Tây bán cầu (theo chỉ số phát triển con người, Haiti đứng thứ 149/182 các quốc gia tham gia xếp hạng), sau trận động đất, tình cảnh càng trở nên bi thảm, hệ thống giáo dục của Haiti hầu như bị tê liệt do 1.300 trường phổ thông và 3 trường đại học lớn tại Port au Prince bị phá hủy hoàn toàn.

230.000 người thiệt mạng do sóng thần ở Ấn Độ Dương

Trong tháng 12/2004, tại Ấn Độ Dương, trận động đất với tâm chấn tại khu vực đảo Sumatra của Indonesia đã nổ ra và gây nên các cơn sóng thần bao trùm, càn quét vùng bờ biển của 14 quốc gia tại khu vực này, cướp đi sinh mạng của 230.000 người. Bốn quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất là Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan. Cường độ công phá của dư chấn này mạnh hơn 1500 lần so với sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima. Cả một vùng rộng lớn gồm Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Singapore và quần đảo Maldives đều cảm nhận thấy rung lắc.

Lốc xoáy “Nargis” cướp đi 146.000 sinh mạng

Thảm họa thiên nhiên được coi là lớn nhất tại Myanmar này xảy ra vào ngày 2/5/2008, khiến khoảng 55.000 người mất tích.

86.000 người chết do động đất ở Kashmir (Pakistan)

Vào lúc 8h52 sáng ngày 8/10/2005, tại bang Kashmir do Pakistan kiểm soát, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter rung chuyển làm chết 75.000 người (theo số liệu của nhà chức trách Pakistan). Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, con số này có thể phải lên tới 86.000 người. Dư chấn có thể cảm nhận được tại Tajikistan, Afghanistan và phía Tây của Trung Quốc. Còn tại khu vực Kashmir của Ấn Độ, trận động đất này cũng làm cho 1.500 người thiệt mạng.

Động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến 67.197 người thiệt mạng

Cơn địa chấn mạnh 8 độ Richter bắt đầu vào lúc 14h28 ngày 12/5/2008. Theo thống kê chính thức, có 67.197 người thiệt mạng, 374.176 người bị thương và 18.222 người bị mất tích, 4,8 triệu người bị mất nhà cửa.

Nắng nóng, hạn hán và cháy rừng khắp Bắc bán cầu

Mùa hè năm 2010 được coi là nắng nóng kỷ lục tại một loạt nước ở Bắc bán cầu, như Mỹ, Canada, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan... Đợt nắng nóng này thậm chí còn bị gán cho cái tên là “làn sóng mang hơi nóng của nước Nga”.

Kéo dài suốt từ tháng 4 đến tháng 6, ở các khu vực mà nắng nóng đi qua có tới 56.000 người chết. Tại Trung Quốc và Nga đã xảy ra các đám cháy rừng. Khói do cháy rừng từ vùng ngoại ô làm bầu trời tại thủ đô Moscow sầm tối, còn tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã xảy ra hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 60 năm.

Theo lý giải của các chuyên gia, do hàm lượng carbon dioxide lớn trong khí quyển đã gây nên hiệu ứng tăng nhiệt này.

Động đất ở Bam (Iran), 43.000 người thiệt mạng

Vào lúc 5h46 sáng ngày 26/12/2003, trận động đất mạnh 6,6 độ Richter đã nổ ra tại thành phố Bam của Iran. Rất nhiều nhà cửa được xây dựng từ gạch không nung đã bị phá hủy. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ Iran khi năm 1989 thông qua đạo luật cho phép sử dụng loại vật liệu xây dựng này, không đảm bảo an toàn trước các cơn dư chấn dù chưa đến mức thật nghiêm trọng.

Nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu, 40.000 người chết

Đợt nắng nóng vào năm 2003 tại châu Âu là nguyên nhân gây nên cái chết của khoảng 40.000 người. Riêng ở Pháp, con số này đã là 14.802.

Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ không khí có lúc lên tới 48˚C đã gây nên đợt cháy rừng nghiêm trọng làm 5% mùa màng bị thiệt hại và 10% rừng bị thiêu hủy. Hà Lan- đất nước được coi là có khí hậu khá ôn hòa cũng bị cái nóng thiêu đốt (nhiệt độ lên tới 37,8˚C) khiến 1.500 người thiệt mạng. Ở Tây Ban Nha và Đức, nhiệt độ không khí lúc nóng nhất là 45,1˚C và 41˚C. Trên đỉnh Alps của Thụy sỹ cũng ghi nhận hiện tượng băng tuyết rã đá do nhiệt độ tăng cao. Ở Anh cũng có hàng nghìn người thiệt mạng do nắng nóng.

Mùa màng ở châu Âu năm 2003 bị sụt giảm hơn 10% do nóng và hạn hán kéo dài.

Thảm họa động đất và sóng thần tại khu vực Tohoku (Nhật Bản)

Ngày 11/3/2011, vào lúc 14h46, dưới đáy đại dương gần khu vực Tohoku của Nhật Bản đã nổ ra trận động đất mạnh 9 độ Richter và gây nên sóng thần cao 23,6m ập lên thành phố Sendai và các vùng lân cận. Khoảng 18.400 người chết, 2.778 người bị thương và 17.339 người mất tích. Hơn 300.000 ngôi nhà bị phá hủy. Thiên tai còn gây nên ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima làm rò rỉ khí hydro ra môi trường.

Đây là thảm họa thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ năm 1900. Theo Ngân hàng thế giới, thiệt hại ước tính vào khoảng 235 tỷ USD.

Động đất ở bang Gurajat (Ấn Độ)

Lúc 8h46 sáng ngày 26/1/2011, chỉ trong vòng khoảng 2 phút, trận động đất với cường độ 7,6-7,7 độ Richter đã làm 19.727 người chết và 167.000 người bị thương. Khoảng 400.000 ngôi nhà, trong đó có cả những di tích lịch sử và điểm du lịch đã thành đống đổ nát. Tại 21 khu vực kéo dài trong phạm vi 700km có khoảng 600.000 người bị mất nhà cửa.

Đợt động đất kéo dài ở Nepal, 8.400 người thiệt mạng

Từ 25-28/4 các trận động đất với cường độ mạnh nhất khoảng 7,8 độ Richter đã liên tiếp rung chuyển tại Nepal. Tưởng mọi sự đã “an bài”, nhưng ngày 12/5, một cơn dư chấn 7,3 độ Richter lại xuất hiện. Ảnh hưởng của động đất đã làm hàng chục nghìn ngôi nhà với rất nhiều di tích lich sử bị phá hủy và hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ảnh hưởng, khoảng 8.400 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương.

Cuối tháng 5 vừa qua, các nhà khoa học của Nepal, Hà Lan và Pháp đã đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu ấm lên và băng tan trên đỉnh Everest. Theo dự báo này thì từ giữa thế kỷ XXI, lượng băng tuyết trên đỉnh núi Everest sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Những bờ đập chắn tự nhiên sẽ bị phá vỡ và lượng nước trong con sông Kosi tại Nepal có thể tăng gấp 100 lần. Lũ lụt vì vậy sẽ gây nên những hậu quả khó lường trong tương lai tại khu vực này.

Phạm Hoàng

>> Bài 2: Nguồn cơn của sự giận dữ