Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chiều 10/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, đã gặp gỡ các trưởng ban biên soạn chuyên ngành.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng mong muốn được nghe ý kiến trực tiếp, yêu cầu cụ thể từ các trưởng ban biên soạn chuyên ngành đối với Chính phủ, hai viện hàn lâm, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, để các nhà khoa học hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam cho biết hiện nay công tác chuẩn bị đang được tích cực thực hiện như: Xây dựng quy chế hoạt động, cẩm nang, cách thức biên soạn, quy trình kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu từng mục từ, từng quyển, khả năng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế…
“Từ kinh nghiệm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, việc thực hiện biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam dứt khoát phải có lộ trình cụ thể, làm đến đâu gọn đến đấy. Trong đó trao quyền, trách nhiệm chính cho các trưởng ban, vai trò của các nhà khoa học là cốt yếu”, ông Thắng cho biết.
Các nhà khoa học nêu nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến phương thức thực hiện, cơ cấu tổ chức, tuyển dụng nhân sự, địa điểm làm việc, cơ chế tài chính, giới hạn kiến thức…
GS. Nguyễn Tử Siêm, Trưởng Ban Nông nghiệp, Thủy lợi cho rằng trong bối cảnh thế giới vận động liên tục cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh đến cách biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam vừa mang tính kiểm kê, đánh dấu, mang tính biên niên nhưng phải mở, công khai trên mạng để cập nhật, tiếp thu, bổ sung những ý nghĩa, sự kiện, bổ sung mục từ mới…
""Tổng hành dinh" các ban chuyên ngành cần phải được tổ chức rất chuyên nghiệp, tính chuyên nghiệp, kỷ luật để văn phòng làm việc của các ban không trở thành "câu lạc bộ hưu trí", "vắng như chùa Bà Đanh"", GS. Nguyễn Tử Siêm nói.
Còn GS. Phạm Gia Khánh, Trưởng Ban Y học, Dược học bày tỏ lo lắng về thời gian thực hiện, vì vậy, phải xây dựng lộ trình biên soạn hết sức cụ thể,
"Quan trọng nhất là xây dựng đề cương mục từ. Mỗi thành viên của các ban chuyên ngành phải là đầu mối kết nối với hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học tham gia biên soạn các mục từ. Kinh nghiệm của tôi cho thấy những người viết tốt nhất không hẳn đang làm việc trong cơ quan Nhà nước hay làm quản lý mà chúng ta cần nhất là những nhà khoa học có tâm huyết, thời gian".
GS.TS. Phạm Thế Long, Trưởng Ban Công nghệ thông tin cho biết quan trọng nhất là phải có ngay công cụ hỗ trợ cho các ban chuyên ngành theo dõi những công việc đã triển khai cũng như huy động được đông đảo nhà khoa học, nguồn lực tham gia biên soạn.
“Ngay từ khi xây dựng đề cương đã phải có sự tham gia của rất nhiều người nên công cụ này có càng sớm càng tốt”, GS. Long cho biết.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhấn mạnh tính mở trong cơ cấu tổ chức các ban chuyên ngành cũng như trong quá trình biên soạn, Phó Thủ tướng cho rằng quyết định thành lập các ban chuyên ngành là bộ khung nền tảng ban đầu, còn trong quá trình hoạt động là hoàn toàn linh hoạt để thu hút sự tham gia cống hiến của tất cả các nhà khoa học có mong muốn cống hiến cũng như của cộng đồng.
“Tinh thần là cơ cấu tổ chức linh hoạt, cởi mở trong từng nhóm, từng ban chuyên ngành, thậm chí một nhà khoa học có thể tham gia biên soạn tại nhiều ban chuyên ngành khác nhau và mở ra ngoài xã hội, cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói
Về phương thức biên soạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tính mở từ quá trình xây dựng đề cương, phạm vi kiến thức đến phân chia thành các quyển, tập bách khoa thư sao cho khoa học, hợp lý, làm rõ hội hàm, đặc thù của Việt Nam so với các bộ bách khoa toàn thư trên thế giới. Trong đó, việc quan trọng và cấp thiết là khẩn trương xây dựng Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam kèm theo công cụ biên soạn trực tuyến để cộng đồng các nhà khoa học có thể cập nhật, giải thích, bổ sung các mục từ, sự kiện…
“Thay vì cách làm truyền thống là từ làm xong bản giấy mới cập nhật lên bản điện tử thì nay chúng ta làm ngược lại là đăng tải các mục từ được biên soạn lên Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định từ các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người quan tâm đến việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sau khi hoàn chỉnh thì chúng ta in lại thành bản giấy theo định kỳ 5-10 năm một lần, còn bản điện tử liên tục cập nhật. Quan trọng là chúng ta thống nhất được cách làm ngay từ đầu vì khi triển khai thì đây sẽ là một quá trình liên tục”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam là hết sức có ý nghĩa nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay… Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của cộng đồng khoa học Việt Nam.
Đình Nam