Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
“Tận dụng than tổ ong đã qua sử dụng để sản xuất gạch không nung” của Nguyễn Thị Hồng (sinh viên Đại học Ngoại Thương TP. HCM) là một trong 12 dự án được tuyển chọn của Chương trình “Tuyển chọn Đại sứ môi trường Bayer 2011”.
Hồng cho biết, dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 11/ 2011, dự kiến đến tháng 2/2012 sẽ hoàn thành.
Gạch không nung là xu hướng của xây dựng hiện đại nhằm hạn chế khí thải và tiết kiệm năng lượng. Song gạch không nung hiện nay chủ yếu được sản xuất từ đất, cát, xi măng… lại có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để sản xuất gạch không nung là bài toán đã được đặt ra. Sử dụng xỉ than tổ ong là một giải pháp.
Theo Hồng, xỉ than là nguyên liệu đầu vào có nhiều ưu điểm. So với cát, giá xỉ rẻ hơn vì có nguồn cung tại chỗ, cũng là loại rác thải nên không mất phí thu mua.
Được sự hỗ trợ của Ths.Phạm Tuấn Nhi – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm và công nghệ khoáng, Viện Địa lý tài nguyên TP. HCM và các thành viên CLB Đại sứ môi trường Bayer, Hồng đã tiến hành thí nghiệm để chứng minh tác dụng của xỉ khi làm gạch.
Ban đầu, Hồng thu thập xỉ than ở khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM, sau đó dùng máy nghiền để tạo xỉ nhuyễn. Các chất phụ gia bao gồm: Xi măng PCB 40, cát, Rb, nước được phối trộn với xỉ theo 5 tỷ lệ khác nhau để ép thành gạch. Sau 7, 14 và 28 ngày tuổi, gạch được đem ra để tiến hành xác định cường độ nén. Theo đó, kết quả đem lại không ngoài dự đoán, các mẫu gạch chứa xỉ có cường độ chịu lực lớn hơn hoặc bằng mẫu không chứa xỉ. Điều này chứng minh rằng, xỉ than tổ ong có thể sử dụng để làm gạch không nung.
Hồng cho biết thêm, các mẫu giảm hàm lượng xi măng, tăng hàm lượng xỉ có cường độ chịu lực nhỏ hơn các mẫu có cường độ xi măng cao, lượng xỉ thấp. Do vậy, xỉ than không thể thay thế vai trò của xi măng trong tạo gạch không nung.
Mặt khác, các mẫu giảm hàm lượng cát, tăng hàm lượng xỉ có cường độ chịu lực lớn hơn mẫu có hàm lượng cát cao, lượng xỉ thấp. Vì thế, xỉ than tổ ong không những có thể thay thế vai trò của cát mà còn góp phần làm tăng độ chịu lực của gạch không nung.
Kết quả thí nghiệm đã giúp Hồng khẳng định, có thể tận dụng than tổ ong đã qua sử dụng để đưa vào làm gạch không nung, vừa giảm chi phí, vừa tăng chất lượng gạch và bảo vệ môi trường.
Hồng chia sẻ, dự án sử dụng công nghệ polyme hóa – một loại hình công nghệ xanh nên không gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Dự án này được thực hiện với kinh phí dự toán 26,49 triệu đồng.
Hồng sẽ huy động thêm nguồn tài trợ từ Tổ chức phi Chính phủ bảo vệ môi trường, Ngân hàng Thế giới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Công ty Bayer Việt Nam và các Công ty sản xuất gạch không nung. Tiếp đó, em sẽ tiếp thị tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn, mạng xã hội, tham gia hội chợ triển lãm. Nếu có điều kiện, loại gạch này sẽ được đăng ký “Nhãn xanh Việt Nam” dành cho sản phẩm thân thiện với môi trường”.
Hiện nay, thị trường gạch không nung còn nhiều tiềm năng mở rộng, vì đây là loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường, đã, đang và sẽ được Chính phủ khuyến khích sử dụng phổ biến. Những tìm tòi, khám phá của những người trẻ, nếu được quan tâm và đầu tư kịp thời, có thể đem lại nhiều thay đổi tích cực. lớn lao.
Tống Minh