Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Lễ kéo cờ ASEAN tại Hà Nội ngày 8/8/2011. Ảnh: TTXVN |
Năm nay, điểm mới của Ngày ASEAN là việc các tổ chức chính phủ và các cơ quan ngoại giao của các nước thành viên đều tổ chức Lễ kéo cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ của nước mình, một biểu hiện của việc tiến tới Cộng đồng ASEAN. Sự kiện các nước ASEAN cùng tổ chức kéo cờ vào Ngày ASEAN (8/8) nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý thức xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò và hình ảnh của ASEAN đoàn kết tại khu vực và trên trường quốc tế.
Nhất trí và chia sẻ quyết tâm và nhận thức chung của ASEAN, Việt Nam đã tổ chức Lễ kéo cờ ASEAN bên cạnh Quốc kỳ tại Thủ đô Hà Nội cũng như tại một số Cơ quan đại diện ngoại giao và Lãnh sự quán ở nước ngoài. Hoạt động này một mặt thể hiện quyết tâm của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực của ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và từng bước tạo dựng ý thức Cộng đồng trong nhân dân; mặt khác giúp tăng cường quảng bá hình ảnh ASEAN và Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào thành công chung của Hiệp hội.
Trong dịp này, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, nước Chủ tịch ASEAN năm 2011 đọc diễn văn điểm lại chặng đường hình thành, phát triển của ASEAN trong 44 năm qua, đồng thời đưa ra những định hướng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến năm 2015, thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN.
Ông Yudhoyono nhấn mạnh những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng và nêu rõ những định hướng, công việc cần làm để đưa ASEAN trở thành một cộng đồng hữu ích không chỉ cho người dân khu vực mà còn cho cộng đồng các quốc gia toàn cầu với tinh thần ASEAN phải là khu vực ổn định, hoà bình và liên kết hơn bao giờ hết.
Những bước tiến đó chứng tỏ ASEAN tiếp tục đảm bảo vị trí dẫn dắt trong các vấn đề khu vực đang nổi lên, khẳng định rõ hơn vị trí trung tâm chính trị không thể thiếu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia chính thức của Nga và Hoa Kỳ.
Những thành công này cũng tạo động lực quan trọng giúp ASEAN phát huy, đóng góp vào những vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và thúc đẩy xây dựng quan hệ với các cường quốc chủ chốt.
Tuần qua, trên lĩnh vực kinh tế, tài chính quốc tế đã xảy ra sự “hỗn loạn” trên các thị trường hàng hóa và tài chính do Standard & Poor (S&P) hạ bậc tín nhiệm đối với nền kinh tế Hoa Kỳ từ AAA (xuất sắc) xuống AA (hạng cao).
Một trong những hệ lụy của việc kinh tế Hoa Kỳ bị tụt hạng là các nhà đầu tư đã tìm đến vàng như là nơi cất giữ an toàn cho tài sản của mình, đã đẩy giá vàng trên thị trường quốc tế lên mức cao nhất “mọi thời đại” là hơn 1.800 USD/1 ounce. Các nhà phân tích lo ngại hậu quả của giá vàng lên cao sẽ tác động đến nhiều mặt của kinh tế thế giới trong những tuần sắp tới.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cuộc bạo loạn ở Anh, bùng phát từ ngày 6/8 ở khu vực Tottenham, phía Bắc thủ đô London lan rộng ra một số TP khác, được xem là đợt bạo loạn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây ở trung tâm thủ đô nước Anh.
Không giống những hành động quá khích bùng phát trong cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng học phí vào cuối năm 2010, tình trạng bạo loạn ở nước Anh lần này đã và đang bị đẩy đi quá xa và trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Cuộc bạo loạn còn là một tín hiệu cảnh báo Vương quốc Anh có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ khác.
Còn ở khu vực châu Phi, hiện nạn đói đang đe dọa nghiêm trọng sinh mạng hàng ngàn người dân Somalia. Trước tình hình đó ngày 11/8, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp khẩn cấp nhằm hỗ trợ lương thực cho người dân ở Đông Phi và Somalia.
Đây cũng là cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất ở châu Phi kể từ nạn đói năm 1991-1992 làm 500.000 người Somalia chết đói.
Nguyễn Chiến