Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự cuộc làm việc có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số ủy ban, cơ quan của Quốc hội và bộ, ngành, địa phương…
Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,78%, xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành phố miền Trung. GRDP đầu người đạt 78,1 triệu đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố miền Trung.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm còn 3,13%.
Tuy nhiên, tỉnh Bình Định còn gặp nhiều khó khăn trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án lớn, các doanh nghiệp đầu tàu tạo động lực phát triển.
Trong năm 2024, Bình Định tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu GRDP tăng 7,5-8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.650 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 15.000 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành, uỷ ban của Quốc hội đã trao đổi, báo cáo, làm rõ thêm những kiến nghị của tỉnh Bình Định về phương án mở rộng Cảng hàng không Phù Cát; triển khai tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện gió ngoài khơi; quy định đầy đủ về trình tự thủ tục, quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khi Thừa phát lại tổ chức thi hành án; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/MK
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển mô hình khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị sẽ là động lực phát triển quan trọng của tỉnh Bình Định. Từ bài học phải di dời các cơ sở công nghiệp hoặc di dời người dân khi xây dựng cơ sở công nghiệp, Bình Định cần hết sức quan tâm bảo vệ môi trường, hài hoà với hệ sinh thái, "lấy môi trường là trên hết, công nghiệp phải xanh, sinh thái, tuần hoàn mới có thể tồn tại cùng đô thị, dịch vụ, thương mại".
"Tiềm năng phát triển của Bình Định cần tính toán, rà soát trên cơ sở triển khai Quy hoạch đã được phê duyệt. Đơn cử Khu kinh tế Nhơn Hội cần định vị lại, khi diện tích lớn nhưng đang xung đột giữa công nghiệp với du lịch, kinh tế xanh, thương mại, dịch vụ", Phó Thủ tướng nói.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cáo những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù phát triển nhanh nhưng do xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, nên quy mô kinh tế của Bình Định còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định rất rõ mục tiêu, tầm nhìn phát triển của tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại, dựa trên 5 trụ cột, 3 đột phá và 3 cực phát triển.
"Phải nhận thức sâu sắc vấn đề này, với tầm nhìn phát triển như vậy thì các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng điều phối vùng phải hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực để Bình Định thực hiện được chức năng là trung tâm vùng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bình Định đi sau nhưng phải kiên nhẫn, điều chỉnh để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định nỗ lực, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; rà soát các nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tránh ảnh hưởng đến đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng; thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá đã được xác định tại Quy hoạch.
Tiếp tục chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch gắn với văn hóa, thể thao. Phấn đấu để Quy Nhơn trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế về văn hóa, thể thao.
"Dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cần tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hành động, bứt tốc trong những năm tới, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng các phương án rõ ràng, chắc chắn, thuyết phục để báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Trước đó, trong không khí kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, nhân chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ và các văn thần, võ tướng kiệt xuất của triều đại Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương, năm nay 93 tuổi và gia đình thương binh Đinh Dương Hải.
MK