Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công trình dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 119 km, đi qua địa phận 8 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88 km, Hoài Nhơn-Quy Nhơn dài 70,1 km và Quy Nhơn-Chí Thạnh dài 66,1 km.
UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ nỗ lực để công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được hoàn thành theo kế hoạch dự kiến. Đó là bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức 14 hội nghị lấy ý kiến nhân dân ở 23 xã, phường có đường cao tốc đi qua với gần 2.000 đại biểu đại diện các cấp chính quyền, người dân tham dự. Người dân ở các địa phương có đường cao tốc đi qua thống nhất cao và mong dự án sẽ sớm được triển khai để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong tỉnh, khu vực.
Tại thị xã Hoài Nhơn, địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong thực hiện GPMB, ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn nhấn mạnh: "Muốn GPMB tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng".
Hoài Nhơn là địa phương có cách làm khác biệt. Trong khi 7 huyện, thị, thành phố chỉ thành lập 1 hội đồng bồi thường, GPMB và tái định cư (gọi tắt hội đồng GPMB) thì Hoài Nhơn thành lập 3 hội đồng GPMB do 3 Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Chủ tịch. Toàn thị xã có 9 xã, phường ảnh hưởng thì mỗi hội đồng GPMB phụ trách 3 xã, phường và tiếp tục chia thành 3 nhóm nhỏ phụ trách tại cơ sở. Các nhóm nhỏ gồm 3 thành viên thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất của thị xã Hoài Nhơn phụ trách cùng tổ giúp việc đóng tại các thôn. Nhóm và tổ giúp việc tại mỗi xã, phường phải làm việc 3 ca/ngày.
Đến nay, thị xã đã kiểm kê xác nhận nguồn gốc đất được 3.006 hộ/3.504 hộ ảnh hưởng (đạt 85,79%). Thị xã cũng đã công khai phương án bồi thường đối với 2.528 hộ/3.504 hộ ảnh hưởng (72,1%). Đến ngày 25/10, số hộ dân đã thống nhất phương án bồi thường đạt 90,31% số hộ đã công khai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, các địa phương trong tỉnh có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua đều đã cơ bản hoàn thành việc kiểm đếm, áp giá đền bù, thống nhất phương án bồi thường đất nông nghiệp, trong đó TP. Quy Nhơn và thị xã Hoài Nhơn đã chi trả tiền đền bù GPMB cho người dân. Những địa phương còn lại đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để triển khai chi trả.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, các cấp chính quyền địa phương ưu tiên số một thực hiện dự án, dốc toàn tâm, toàn lực phải hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, phấn đấu đến 20/11/2022 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng, bàn giao 100% đất nông nghiệp cho chủ đầu tư. Công tác chỉ định thầu xây lắp, tái định cư đúng quy định, lựa chọn doanh nghiệp tư vấn, nhà thầu, di dời, xây dựng khu tái định cư đều phải có năng lực, kinh nghiệm và khẩn trương thần tốc, đảm bảo đúng kế hoạch. Phấn đấu đến ngày 30/3/2023, các địa phương bàn giao đất khu tái định cư cho dân.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện bồi thường, GPMB và tái định cư hàng tuần, phối hợp cùng các sở, ngành, triển khai công tác nếu có khó khăn, vướng mắc gửi ý kiến về Sở GTVT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn giải quyết.
Để khắc phục sự chậm trễ trong chi trả tiền bồi thường, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương liên quan khi tổ chức họp hội đồng bồi thường, GPMB phải mời đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA 2, Ban QLDA 85 tham dự để nắm bắt, thỏa thuận và thống nhất phương án. Sau khi phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, các địa phương phải gửi ngay cho Ban QLDA 2, Ban QLDA 85 và yêu cầu bố trí đủ kinh phí để kịp thời chi trả cho người dân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã tập trung ưu tiên giải quyết các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, GPMB dự án; đồng thời, tổ chức bàn giao mặt bằng ngay khi hoàn thành việc chi trả bồi thường GPMB; thông báo cho người dân không được tiếp tục sản xuất trên đất nông nghiệp bị ảnh hưởng GPMB của dự án để tránh các vướng mắc về sau.
Minh Trang