Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Định đã kiểm tra tình hình thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và công tác chuẩn bị đón đoàn thanh tra của EC.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có hơn 5.800 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó có gần 4.300 tàu cá thuộc diện đăng kiểm hàng năm với hơn 41.100 lao động hành nghề đánh bắt hải sản.
Thực hiện quyết định về giao hạn ngạch vùng khơi của Bộ NN&PTNT và quyết định của UBND tỉnh về công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng và vùng ven bờ của tỉnh, đến nay Chi cục Thủy sản đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 4.852 tàu, chiếm 83,42%. Chi cục cũng đã thực hiện đánh dấu tàu cá thuộc diện đăng kiểm hàng năm theo quy định; đã triển khai cập nhật đầy đủ dữ liệu về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá vi phạm IUU theo quy định về khai thác thủy sản.
Đến nay, toàn bộ 3.225 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động khai thác vùng khơi đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Còn lại 41 tàu đang hư hỏng nằm bờ không hoạt động nên chưa thực hiện lắp đặt thiết bị hành trình và chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản đã tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
Hơn 5 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU nhằm nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định của tàu cá vẫn còn diễn ra.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay vẫn còn 49 lượt tàu (39 tàu) bị cảnh báo vượt ra khỏi vùng tự do khai thác trên các vùng biển. Tuy có giảm so với năm 2021 (82 lượt tàu), nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn đã gây khó khăn cho ngành thủy sản trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, những năm qua, tỉnh đã rất nỗ lực để ngăn chặn tình trạng khai thác IUU. Tuy nhiên, cho đến nay thì vẫn còn tình trạng vi phạm xảy ra. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm, vì nếu không gỡ được thẻ vàng EC thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của bà con ngư dân và ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Qua kiểm tra, giám sát thì các sở, ngành, đơn vị đã rất nỗ lực, nhưng vẫn còn những tồn tại. Chẳng hạn như việc cấp phép tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo dẫn đến khó thực hiện giám sát; số vụ vi phạm vẫn nằm trong tốp đầu cả nước và hồ sơ truy xuất nguồn gốc chứng từ. Đây là những nội dung mà EC cũng đang đặt ra để thực hiện việc kiểm tra.
Để chuẩn bị cho phái đoàn của EC đến kiểm tra việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản sắp tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị chặt chẽ hồ sơ theo nội dung của đoàn kiểm tra. Đó là: Chuẩn bị về khung pháp lý về văn bản và công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, văn bản và chương trình phối hợp triển khai của Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản và các cảng cá; đánh dấu tàu cá và kết quả cập nhật các dữ liệu trên hệ thống VN-Fishbase.
Để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản có hiệu quả lâu dài, Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu các sở, ngành tiếp tục thực hiện kiểm tra kỹ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và khai thác vận hành các hệ thống giám sát; xử lý các tàu cá bị cảnh báo, các tàu cá mất liên lạc kết nối. Song song với đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự khu vực cảng phải được đảm bảo, vệ sinh sạch sẽ… nhằm hướng đến lĩnh vực khai thác thủy sản đúng quy định, truy xuất nguồn gốc hợp pháp cho cả sau này, đảm bảo cho một lĩnh vực thủy sản hợp pháp và an toàn.
Minh Trang