Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong tuần qua, trên địa bàn các xã tập trung đông ngư dân như xã Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn) và xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), lực lượng biên phòng đã tổ chức các hội nghị tuyên tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU).
Tại UBND xã Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn), Đồn Biên phòng Nhơn Lý đã phổ biến cho 20 thành viên Ban chỉ đạo của xã Nhơn Hội về thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, giúp cán bộ xã nắm bắt các quy định liên quan về chống khai thác IUU, từ đó phổ biến rộng rãi đến hội viên và bà con ngư dân.
Tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), các cán bộ biên phòng cũng đã tổ chức tuyên truyền chống khai thác IUU cho đại diện 120 hộ dân hành nghề khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại của xã Phước Thuận. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nhân dân về vai trò của công tác phòng, chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản trên địa bàn, tập trung nguồn lực để thực hiện, quyết tâm tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 9/2024, Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến 28 buổi cho hơn 3.500 lượt quần chúng nhân dân trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về những nội dung cơ bản của pháp luật về thủy sản, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tổ chức 12 lớp tập huấn về công tác xử lý vi phạm hành chính cho hơn 1.000 lượt cán bộ, nhân viên trong lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh về các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm, hướng tới gỡ "thẻ vàng" IUU, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tăng cường hoạt động giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 9/2024, Sở NN&PTNT đã tổ chức 8 buổi tuyên truyền trực tiếp tại một số địa phương có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (huyện Phù Cát) với hơn 550 ngư dân tham gia.
Tổ chức in ấn, cấp phát cho ngư dân hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 6.000 tờ rơi tuyên truyền về xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Phối hợp với Cục Thủy sản hướng dẫn, tập huấn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho các lực lượng chức năng; các cơ quan, đơn vị cử 15 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản...
Các cơ quan thẩm quyền của tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 107 cá nhân vi phạm khai thác IUU, với tổng số tiền xử phạt hơn 10,6 tỷ đồng. Trong số này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp, với số tiền xử phạt hơn 9 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 xử phạt 2 trường hợp, năm 2024 xử phạt 8 trường hợp, tuy nhiên cả 10 chủ tàu đến nay vẫn chưa nộp phạt.
Theo UBND tỉnh Bình Định, nhìn chung, tình hình vi phạm trong khai thác thủy sản thời gian qua của tàu cá Bình Định diễn biến phức tạp, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài năm 2024 tăng hơn so với năm 2023. Các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình trên tàu cá; khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (hầu hết tàu cá vi phạm bị bắt giữ đều có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m); không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không giấy tờ tùy thân khi khai thác thủy sản...
Minh Trang