Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản, qua đó, đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Định như: lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài; trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hành hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài.
Bình Định là vựa chăn nuôi heo lớn nhất khu vực với 686,2 nghìn con. Đàn bò nuôi có chiều hướng tăng, Bình Định đứng vị trí thứ nhất trong toàn vùng, với 308,6 nghìn con. Đàn gà nuôi của tỉnh Bình Định luôn đứng đầu vùng, với 8,5 triệu con.
Về sản phẩm OCOP, lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, nút thắt lớn nhất đối với khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh bền vững là hình thành các chuỗi liên kết nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó mấu chốt là có các doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối trong việc tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng, nhận chuyển giao công nghệ, làm đầu mối thu gom nông sản, sơ chế, chế biến, đàm phán giá cả, hợp đồng, làm thị trường…
Tại hội nghị, UBND và các sở, ban, ngành đã triển khai quy trình quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản Bình Định nhằm tổ chức quản lý việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thương nhân trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Quy trình quản lý sản xuất, tiêu thụ sẽ bao gồm 2 bước. Cụ thể, bước 1 là thống kê diện tích, sản lượng, tiêu chuẩn sau thu hoạch và ước tính giá thành của nông sản; lên kế hoạch tiêu thụ cho năm sau và báo cáo tình hình tiêu thụ năm vừa qua.
Bước 2 là quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản theo 4 mô hình như: Mô hình theo chuỗi (đây là mô hình ưu tiên phát triển); hộ nông dân bán nông sản trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, tiêu thụ nằm trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là các cơ sở chế biến, đóng gói); hộ nông dân bán nông sản cho thương lái đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; hộ nông dân bán nông sản trên các kênh thương mại điện tử.
Trong quy trình quản lý sẽ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các sở ngành, đơn vị, địa phương, mỗi huyện, thị xã có ít nhất 1 mô hình 1 (mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi) được ký kết, đem lại hiệu quả cho các bên tham gia chuỗi.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia, thương nhân đã chủ động phản ánh thực trạng và hiến kế các giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Đồng thời có những kiến nghị, đề xuất phù hợp với UBND tỉnh Bình Định để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.
Dịp này, hội nghị đã tổ chức ký kết cam kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị thu mua và các đơn vị sản xuất theo các phương thức ổn định sản xuất, kinh doanh trong thời gian đến.
Minh Trang