Là địa phương phát triển công nghiệp sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế trong việc quy hoạch, đầu tư hệ thống Khu công nghiệp một cách bài bản. Nhờ thế, Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp ở mức cao (với 28 Khu công nghiệp được thành lập), tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 63% cơ cấu kinh tế.
Trong đó 24 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với lượng nước thải khoảng 49.000m3/ngày. Nhưng điều đáng khích lệ, chính là con số 96% Khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (bao gồm 17 hệ thống xử lý hoàn thiện, 4 hệ thống vận hành thử nghiệm và 2 hệ thống đang xây dựng).
Tỉnh Bình Dương đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Từ năm 2009 đến giữa năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp thanh tra, kiểm tra 1.407 doanh nghiệp, xử phạt 744 cơ sở với tổng số tiền 13,4 tỷ đồng. Sau khi thành lập (3/2009), Đội kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ môi trường của tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý 32 doanh nghiệp vi phạm, thường xuyên gây ô nhiễm...
Hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm và đưa ra khỏi danh sách 2 cơ sở thuộc Quyết định 64 (bãi rác Phú Chánh huyện Tân Uyên, bãi rác Hiện Thành thị xã Thủ Dầu Một), Bình Dương tiếp tục rà soát, ban hành danh mục các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2010 tỉnh đã xác định 77 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gồm cả 49 cơ sở chuyển từ hai năm trước sang. Nhờ việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát, xử lý liên tục, khoảng 80% cơ sở này đã thực hiện các giải pháp khắc phục, hoàn thành việc xử lý ô nhiễm.
Tỉnh Bình Dương còn nghiên cứu, ban hành Quy định bảo vệ môi trường tỉnh, quy định về quản lý chất thải rắn, chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, vùng đô thị; tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị… Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành chủ trương, chính sách hạn chế tối đa đầu tư mới các dự án thuộc loại gây ô nhiễm nặng...
Để nâng cao nhận thức, mỗi năm tỉnh đều tổ chức từ 20 - 25 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường; in ấn và phân phối hơn 10.000 tài liệu về môi trường cho các ban, ngành, cấp huyện, xã. Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã đưa tiêu chí bảo vệ môi trường để công nhận gia đình, khu phố, ấp văn hóa; thành lập 14 tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả. Tỉnh Đoàn TNCSHCM thành lập thí điểm và duy trì các mô hình can thiệp tại cộng đồng về môi trường (các Đội thanh niên xung kích về bảo vệ môi trường). Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập 39 câu lạc bộ tuyên truyền viên về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên đây vẫn là chưa đủ. Bởi trên thực tế, vẫn còn tình trạng các Khu công nghiệp xả thải vượt quy chuẩn từ 5 lần tới 10 lần, vẫn còn Khu công nghiệp chưa gom triệt để nước thải từ các cơ sở về trạm xử lý, hoặc chưa xây dựng hệ thống thu gom nước mưa tách biệt với nước thải, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa.
Đặc biệt, đối với hệ thống cụm công nghiệp, công tác quản lý, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Trong 8 cụm công nghiệp được thành lập (3 cụm đã lấp đầy diện tích, 1 cụm chưa lấp đầy và 4 cụm đang tiếp tục đền bù giải tỏa) với khoảng 1.450 doanh nghiệp đăng ký; mới chỉ có 1 cụm đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, số còn lại thậm chí chưa đầu tư cả hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt. Trong khi mỗi ngày, nước thải từ các cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp trên địa bàn khoảng 80.000m3. Cho dù Sở TN&MT thu được 90% cơ sở phải kê khai nộp phí nước thải (1.592 cơ sở) với tổng số tiền trên 10.230 triệu đồng, nhưng nếu không kiểm soát được chất lượng nước thải mỗi ngày đang xả ra môi trường, thì hậu họa vẫn rất khó lường; và khoản tiền kia sẽ trở nên nhỏ nhoi nếu phải dùng vào việc khắc phục hậu quả.
Thu Trang